Phân quyền mạnh hơn cho cấp tỉnh quyết định dự án nhà ở, khu đô thị

“Cần phân quyền mạnh hơn cho cấp tỉnh quyết định dự án nhà ở, khu đô thị” là đề xuất của Chính phủ tại Phiên họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật, trong đó có Luật Đầu tư.

Dự thảo luật sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 32 để phân quyền cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư ,không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) theo hướng quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.

Tuy nhiên theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần tính toán để sửa đổi vướng mắc, tạo thuận lợi để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ đang bị ách tắc thời gian qua. Đây là vấn đề cần nghiên cứu tính toán. Minh chứng tại Hà Nội, qua kiểm định thực tế 401 chung cư, đã có 148 chung cư ở cấp độ B; 245 chung cư cấp C và 8 chung cư cấp D (cấp độ xuống cấp, nguy hiểm cao nhất theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng). Dù thành phố có chủ trương cải tạo lại chung cư cũ, nhưng vướng mắc nằm ở Luật Nhà ở. Đơn cử với chung cư cấp D, phải có 100% chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ. Nhưng cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ sở hữu nhà chung cư, nên chưa tạo được sự đồng thuận.

Đại diện Vụ pháp chế, Bộ Xây dựng cho rằng, những vấn đề trên cần sửa đổi trong Luật Nhà ở 2014. Hiện Bộ xây dựng đang đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014. Theo Bộ Xây dựng hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15-7-2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã quy định cụ thể nhiều nội dung như: Các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, quy hoạch khu vực cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư... Bộ Xây dựng dự kiến đề xuất “luật hóa” các quy định trên, để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao và đồng bộ, thống nhất./.