Phân luồng học sinh để cân đối đào tạo thầy và thợ: Xu hướng chọn trường nghề thay vì đại học

Thực tế cho thấy, "Thừa thầy, thiếu thợ" cũng đang là tình trạng hiện nay tại nhiều địa phương. Vấn đề này cũng đã được các đại biểu quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại kỳ họp thứ 5 vừa qua. Theo Bộ trưởng, giải pháp cho thực trạng này là phải thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh. 

Sáng 24/7, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” lần thứ Tư, năm 2023 cho 167 công nhân, lao động tiêu biểu. Đây là giải Giải thưởng được trao tặng 5 năm 1 lần, và là phần thưởng cao quý của tổ chức Công đoàn Việt Nam, nhằm vinh danh công nhân lao động trực tiếp sản xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp, thuộc các thành phần kinh tế, có thành tích tiêu biểu, xuất sắc nhất trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”.

Xuất phát điểm là một công nhân xây dựng, bằng niềm đam mê công việc và nhiệt huyết sáng tạo, anh Dương Thanh Hà giờ đã trở thành chủ nhân của 6 sáng kiến, làm lợi cho công ty của mình tổng giá trị 207 tỷ đồng trong 5 năm qua.

Sau 4 lần tổ chức, Tổng Liên đoàn LĐVN đã trao tặng Giải thưởng cho gần 500 công nhân lao động trực tiếp sản xuất có thành tích nổi bật. 

167 lao động tiêu biểu hôm nay là những tấm gương điển hình khích lệ đội ngũ công nhân, lao động nhanh chóng nắm vững tay nghề, kỹ thuật, tiếp thu và làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, khơi dậy và phát huy tiềm năng sáng tạo… để góp phần quan trọng phát triển kinh tế đất nước.

Phần thưởng vinh danh này cũng là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực sáng tạo của những người thợ giỏi. Đây cũng là sự khẳng định tầm quan trọng của những người thợ, trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

Chính phủ và Quốc hội đặt mục tiêu đến hết năm 2025 phấn đấu phân luồng học sinh phổ thông vào học nghề đạt khoảng 40 đến 45% và đến năm 2030 đạt chỉ tiêu là 50 đến 55%. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đây là chỉ tiêu rất cao và rất khó nhưng phải cố thực hiện cho bằng được.

Mô hình đào tạo 9+ là một hướng đi quan trọng cho công tác phân luồng học sinh THCS. Và đã có những tín hiệu cho thấy, đang dần có sự thay đổi nhận thức về đào tạo nghề. Nếu như 5 năm trước, bình quân mỗi năm chỉ tuyển được 500.000 học viên, thì giờ đây con số này đã là hơn 2 triệu người được đào tạo qua các trường dạy nghề rồi. Điều quan trọng là khoảng 85% học sinh ra trường đã có việc làm. 

Rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí học tập, chú trọng thực hành nghề để sớm tiếp cận thị trường lao động… Những ưu điểm này đã khiến nhiều phụ huynh sau khi tham quan, tìm hiểu mô hình đào tạo 9 + đã quyết định đăng kí cho con.

Trên thực tế, học nghề được xem là con đường lập nghiệp nhanh nhất. Từ 2 - 3,5 năm, người học vừa có trình độ văn hóa THPT vừa có kỹ năng nghề nghiệp để tham gia thị trường lao động, hoặc liên thông lên các trình độ cao hơn như cao đẳng, đại học. Thậm chí với nhiều ngành nghề, thí sinh chưa ra trường đã có doanh nghiệp tiếp nhận với mức lương khởi điểm 5 đến 10 triệu đồng.

Thị trường lao động gian qua đã chứng minh, trong khi rất nhiều cử nhân ra trường loay hoay tìm kiếm việc làm, thì tại nhiều khu công nghiệp, các doanh nghiệp đang thực sự rất thiếu các nhân lực học nghề và có tay nghề.

Mô hình đào tạo 9+ được xem là chìa khóa hiệu quả giúp giải quyết khó khăn trong khâu phân luồng, giảm tải tình trạng thừa thầy thiếu thợ hiện nay.

Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” kéo dài dai dẳng vốn có nguyên nhân chính từ tâm lý trọng bằng cấp của xã hội. Tuy nhiên, rất nhiều cá nhân nhận phần thưởng Nguyễn Đức Cảnh hôm nay cũng từng là học viên của các trường dạy nghề. Và phần thưởng cao quý họ nhận được cũng đã minh chứng cho thấy, không quan trọng bạn là “thầy” hay “thợ”; Điều quan trọng chỉ cần bản thân không ngừng đam mê, cống hiến, sáng tạo thì đều sẽ nhận được sự ghi nhận xứng đáng.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!