Nỗ lực cứu vãn thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen

Chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu lại đứng trước nguy cơ đứt gãy khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen với Ukraine vô thời hạn. Động thái này đã buộc Liên Hiệp Quốc và các bên liên quan gấp rút tìm cách cứu vãn.

Sau động thái rút khỏi thỏa thuận của Nga, Liên hợp quốc đã nhấn mạnh rằng lương thực phải được đưa ra ngoài bất kể hoàn cảnh nào. Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã nhất trí tiếp tục vận chuyển ngũ cốc qua hành lang này. Ukraine cho biết 12 tàu đã rời các cảng Biển Đen của Ukraine tính đến sáng 31/10.

Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKY: “Về phía chúng tôi, chúng tôi tiếp tục với sáng kiến ngũ cốc vì chúng tôi hiểu những gì chúng tôi cung cấp cho thế giới. Chúng tôi mang lại sự ổn định trên thị trường thực phẩm."

Trước nguy cơ thỏa thuận "chết yếu" chỉ sau 3 tháng thực thi, Liên Hợp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đang cố gắng cứu vãn.

Ông MARTIN GRIFFITHSPhó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo: “Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen ràng buộc các bên ký kết không được tấn công tàu hoặc các hoạt động di chuyển hay các cơ sở cảng biển liên quan. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng điều khoản đó vẫn có hiệu lực, kể cả đối với Nga. Tôi tin rằng, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ được gia hạn và chúng tôi sẽ đảm bảo điều đó. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đạt được điều đó vào 18/11.

Trong khi đó, biến động trên Biển Đen lập tức lan ra thị trường thực phẩm trong ngày đầu tuần. Theo Reuters, tại sàn Chicago (Mỹ), giá lúa mì giao theo kỳ hạn đã tăng hơn 5,5%, giá ngô tăng hơn 2%. Đối với người tiêu dùng, tác động sẽ thấy rõ trong thời gian tới.

Vân Hương