Những trăn trở trong bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên

Đã đến lúc cần triển khai các giải pháp quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo để tìm cho cây cầu Long Biên những giá trị mới. Để cây cầu này không chỉ dừng lại ở giá trị văn hóa, lịch sử mà còn có cả giá trị kinh tế, nghệ thuật và du lịch…Đây là nội dung của cuộc hội thảo về “Đổi mới sáng tạo trong quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên” do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 tổ chức mới đây.

Cầu Long Biên với nhiều giá trị lịch sử đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Hà Nội, là chứng nhân lịch sử quan trọng của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hơn 120 năm đưa vào khai thác sử dụng, cầu Long Biên trải qua 3 lần cải tạo lớn và nhiều lần cải tạo trùng tu khác, tuy nhiên do đã bị tàn phá trong chiến tranh cũng như tuổi thọ quá lớn, cây cầu không tránh khỏi sự xuống cấp trầm trọng. Đến nay, “số phận” cây cầu lịch sử này vẫn đang chờ một giải pháp mang tính quyết định.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, Cầu Long Biên cần được bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị dựa trên hai chức năng chính: giao thông phục vụ du lịch khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội; bảo tàng - không gian lịch sử giao lưu văn hóa nghệ thuật tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

Các chuyên gia kiến nghị, muốn giữ cầu Long Biên trước hết thành phố Hà Nội cần lên tiếng đề xuất cầu Long Biên là một di sản. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm làm tuyến đường sắt mới thay thế tuyến đường sắt đang chạy trên cầu. Từ đó mới có cơ sở để tiến hành các phương án bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên. 

 

Bích Liên -

Như Huỳnh -

Bảo Ngọc