• 1533 lượt xem
  • 01:13 03/07/2022
  • Kinh tế

Nhìn từ Hà Nội |Số 5|: WTO -Thách thức và vai trò đối với thương mại tự do

Được thành lập và hoạt động từ 01/01/1995, WTO hướng tới mục tiêu thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch. Tuy nhiên, trong 2 năm qua với bối cảnh thế giới xuất hiện nhiều xáo động, tầm ảnh hưởng của WTO trở nên lung lay trước những chuyển dịch mới, trong đó có xu hướng phi toàn cầu hóa. Liệu WTO có đủ khả năng lèo lái các nước thành viên vượt qua thử thách?

Được thành lập và hoạt động từ năm 1995 tới nay, Tổ chức thương mại thế giới WTO nhằm mục đích loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản thương mại để tiến tới tự do thương mại. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi về vai trò của tổ chức này  trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều xáo trộn và bất ổn như hiện nay. Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO (MC12) vừa qua, được coi như phép thử cho WTO về hệ thống thương mại tự do trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa phi toàn cầu hóa, các quốc gia ngày càng hướng trọng tâm kinh tế của mình vào bên trong, tìm cách bảo vệ và thúc đẩy các ngành công nghiệp của chính họ, đi ngược lại với hệ thống thương mại mở mà WTO vốn theo đuổi. Do vậy, bất kể kết quả nào đạt được tại hội nghị MC12, cũng được kỳ vọng sẽ là niềm hy vọng, minh chứng cho việc thế giới vẫn có thể hợp tác và làm việc cùng nhau trong tình hình đầy biến động và bất ổn như hiện nay.

Để cùng chúng ta thảo luận kỹ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã mời đến trường quay Nhìn từ Hà Nội hôm nay một chuyên gia trong lĩnh vực chính sách vĩ mô, chính sách thương mại quốc tế, người trực tiếp tham gia vào đàm phán các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam - Ông LƯƠNG HOÀNG THÁI – Vụ trưởng Vụ chính sách đa biên, Bộ Công Thương.

HỘI NGHỊ CẤP BỘ TRƯỞNG LẦN THỨ 12 CỦA WTO

Đến Geneva dự cuộc họp cấp cao đầu tiên của WTO kể từ năm 2017, bộ trưởng thương mại các nước thành viên có nhiều điều phải bàn. Từ hướng giải quyết phù hợp cho vấn đề an ninh lương thực đến việc ứng phó đại dịch Covid-19 hay tình trạng trữ lượng cá toàn cầu dần cạn kiệt. Nhiều quốc gia thành viên cũng muốn nhân dịp này thảo luận nghiêm túc về cải cách toàn diện WTO. Vấn đề thì chồng chất, nhưng thời gian thì có hạn.

Bà NGOZI OKONJO-IWEALA, Tổng Giám đốc WTO:Thế giới đã thay đổi kể từ lần họp cuối cùng của WTO. Tôi chưa bao giờ thấy trong cuộc đời mình có nhiều xung đột cùng lúc như vậy. Điều này là rất bất thường. Và tôi đã nói rất nhiều về điều này vì nó khá bất thường. Tôi cũng không biết liệu chúng ta có thể đạt được kết quả hay không. Chắc chắn rằng con đường sẽ rất chông gai”.

Như lo ngại của người đứng đầu WTO, phải tới ngày 17/6, dài hơn dự kiến 2 ngày, các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mới có thể đi đến nhất trí về 1 gói thỏa thuận bao gồm trợ cấp cho nghề đánh bắt cá, an ninh lương thực và vaccine ngừa Covid-19. Đây là thoả thuận đầu tiên của WTO kể từ năm 2013 cho đến nay.

Bà NGOZI OKONJO-IWEALA, Tổng Giám đốc WTO:Gói các thỏa thuận đạt được sẽ tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới và cho thấy, WTO có khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp của thời đại. Chúng ta cũng đã cho thế giới thấy rằng các thành viên vẫn có thể tập hợp lại, vượt qua những chia rẽ địa chính trị để giải quyết các vấn đề toàn cầu".

Ông MAXIM RESHETNIKOV, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga: "Hiện nay, không có hệ thống nào có thể thay thế WTO. Mặc dù không hoàn hảo nhưng đây là hệ thống duy nhất đảm bảo một sân chơi bình đẳng về các quy tắc thương mại giữa các quốc gia khác nhau và xác định các giá trị và nguyên tắc chung.”

Hội nghị Bộ trưởng MC12 diễn ra vào thời điểm mấu chốt quan trọng đối với WTO và đối với thương mại toàn cầu và là cơ hội để WTO chứng minh rằng thương mại là một phần của giải pháp cho nhiều thách thức lớn của thời đại hiện nay, dù về sức khỏe cộng đồng hay môi trường./.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung cuộc trò chuyện với chuyên gia Lương Hoàng Thái.

PHI TOÀN CẦU HÓA - BÀI KIỂM TRA NĂNG LỰC CỦA WTO

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tiến hành hội nghị MC12 tại thời điểm mà nhiều cuộc khủng hoảng và xích mích ngày càng gia tăng, đang làm xáo trộn trật tự thế giới.

Ông JEFFREY SCHOTT, Thành viên cấp cao, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson: “Đây không phải là thời điểm tươi sáng nhất đối với WTO, có những cuộc khủng hoảng toàn cầu quan trọng cần được giải quyết liên quan đến đại dịch, liên quan đến khủng hoảng lương thực toàn cầu, liên quan đến khủng hoảng khí hậu.”

Các cuộc khủng hoảng gần đây như Covid-19 và chiến sự Ukraine đã khiến toàn cầu chia rẽ hơn. Các quốc gia giàu có nhanh chóng sản xuất vaccine và các quốc gia thu nhập thấp thì không. Phương Tây ra sức cô lập Nga. Phần còn lại của thế giới cũng đang có lập trường mâu thuẫn, xung đột hơn. Các cuộc khủng hoảng cũng đã làm gia tăng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, theo các mô hình thương mại và quản trị rất khác nhau. Những cuộc khủng hoảng đó đã thúc đẩy việc nghĩ lại về toàn cầu hóa trên diện rộng. Các nước tích cực tham gia, thậm chí là phụ thuộc vào thị trường thế giới, lại trở thành những nước dễ bị tổn thương nhất.

Ông MAXIM RESHETNIKOV, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga: "Mấu chốt của vấn đề là thiếu cơ chế giải quyết tranh chấp. WTO không có Cơ quan Phúc thẩm, bởi vì các nước như Mỹ đang ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán của mình. Do đó, chúng tôi rất tiếc khi thấy các yêu cầu kiện tụng tranh chấp không thể giải quyết được.”

Trong bối cảnh hiện nay, có thể hiểu phi toàn cầu hóa chính là chủ nghĩa bảo hộ, là việc đưa ra mức thuế quan cao hơn để tính đến chi phí môi trường và xã hội của hàng hoá, giảm vận chuyển hàng hoá ở khoảng cách xa, thúc đẩy sản xuất tại địa phương, áp dụng lại các biện pháp kiểm soát vốn nhằm giảm ảnh hưởng của tài chính đối với nền kinh tế toàn cầu...

Một số nhà kinh tế lo ngại việc chọn các đối tác thương mại vì lý do địa chính trị có thể khiến lạm phát tăng, tăng trưởng giảm. WTO cũng ước tính việc chia thế giới thành hai khối kinh tế sẽ làm giảm 5% GDP toàn cầu trong dài hạn.

Ông XU SITAO, Nhà kinh tế trưởng, Deloitte Trung Quốc: "Thương mại toàn cầu đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, không chỉ
giá năng lượng cao, lạm phát, và cả điểm nóng địa chính trị dẫn đến giảm lòng tin.

Thách thức lớn nhất của WTO hiện là làm cho các chính phủ nhận ra rằng chủ nghĩa phân cực sẽ không khiến nội chính của họ tốt hơn về lâu dài mà còn khiến bất ổn gia tăng.

Bà NGOZI OKONJO-IWEALA, Tổng Giám đốc WTO: “Những căng thẳng địa chính trị mà chúng ta đang đối phó là có thật, chúng
ta không thể giả vờ khác đi được. Nhưng đồng thời sẽ là sai lầm nếu để những căng thẳng này lấn át công việc của chúng tôi ở đây. Nếu vậy, hậu quả đối với WTO và các chức năng của hệ thống thương mại đa phương sẽ rất nghiêm trọng.

Giáo sư JOEL TRACHTMAN, Khoa Luật quốc tế, Đại học Tufts: "Còn rất nhiều việc phải làm. Và sẽ thật tốt khi WTO có thể đạt được một số tiến bộ như một biện pháp xây dựng lòng tin đối với các quốc gia thành viên".

Politico trích lời bà Wendy Cutler, một nhà đàm phán thương mại Mỹ cho biết, trong khuôn khổ hội nghị MC12, các quốc gia thành viên WTO mới chỉ đạt được “mức tối thiểu cần thiết để duy trì thể chế tồn tại và phát huy tác dụng.”

Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi nội dung cuộc trò chuyện!

Hội nghị Bộ trưởng MC12 diễn ra vào thời điểm mấu chốt quan trọng đối với WTO và đối với thương mại toàn cầu và là cơ hội để WTO chứng minh rằng thương mại là một phần của giải pháp cho nhiều thách thức lớn của thời đại hiện nay, dù về sức khỏe cộng đồng hay môi trường. Tuy nhiên, những thành tựu từ Hội nghị vẫn có phần khiêm tốn, so với những việc cần phải làm sau đó, để thực sự củng cố vai trò của mình đối với tự do thương mại thế giới. WTO cần nhiều hơn những thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là trong cải tổ bộ máy của mình trở nên tinh gọn hơn theo yêu cầu của các quốc gia thành viên, bao gồm 3 yếu tố: công nhận sự đồng thuận rộng rãi về nhu cầu cải cách, quy trình phải minh bạch và bao trùm, và sự cần thiết phải giải quyết lợi ích của tất cả các thành viên. Chỉ khi WTO đáp ứng được yêu cầu này, chúng ta mới tránh được sự trở lại của nhiều rào cản thương mại, tránh nguy cơ mất đi một địa điểm đáng tin cậy để hòa giải các tranh chấp và đưa ra các quyết định thương mại ràng buộc.


 

Bùi Thảo