Nhìn lại hành trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi)

Dự kiến sáng 18/1, Quốc hội sẽ ấn nút thông qua dự thảo Luật Đất đai (Sửa đổi). Sửa đổi luật đất đai là điểm nhấn lập pháp quan trọng của kỳ họp bất thường lần thứ 5 cũng như của cả nhiệm kỳ này. Đây là dự thảo có tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, được đông đảo cử tri đặc biệt quan tâm dõi theo trong kỳ họp này

Để đi tới được Kỳ họp bất thường này, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xây dựng hết sức công phu. Việc sửa luật được chính thức khởi động từ cách đây 3 năm, khi vào tháng 8/2020, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đến giữa năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 18 đưa ra những điểm mới về chính sách đất đai. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo đó, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài Nguyên môi trường đã xây dựng Dự thảo luật và lấy ý kiến của Nhân dân trong 2 tháng rưỡi. 12 triệu lượt ý kiến góp ý thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhân dân với đạo luật hết sức quan trọng này.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến đóng góp lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4, tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6. Tại kỳ họp thứ 6, do vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng nên dù đã qua 3 kỳ họp nhưng Quốc hội vẫn quyết định chưa thông qua dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) mà lùi đến Kỳ họp bất thường lần thứ năm. Quy trình đặc biệt, chưa có tiền lệ này nhằm tạo điều kiện xem xét thật thấu đáo mọi mặt của dự luật, để dự án Luật thực sự khả thi khi đi vào cuộc sống. Dự án luật được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Diệu Huyền -

Quang Sỹ -

Cao Hoàng