Nhiều quy định tiến bộ về tư pháp đối với người chưa thành niên trong Pháp lệnh số 03/2022

Chiều 30/12, Văn phòng Chủ tịch Nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước công bố Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2023.

Theo Tòa án nhân dân Tối cao, Pháp lệnh số 03/2022 có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh số 09/2014 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, trong đó đã quy định 1 số thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên như:

- Thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Tại phiên họp, Thẩm phán mặc trang phục hành chính của TAND.

-Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn;

-Trong phòng họp, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp được hỗ trợ người chưa thành niên…

Trả lời câu hỏi của phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, đại diện Cơ quan soạn thảo cho rằng, Pháp lệnh có những điểm mới cả về trình tự thủ tục và đã đưa các quy định rất tiến bộ về tư pháp đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Để bảo đảm tốt nhất quyền của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Pháp lệnh quy định thẩm phán xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Đây cũng là điểm nhân văn của Pháp lệnh. Pháp lệnh này cũng cụ thể hóa nguyên tắc xuyên suốt về bảo đảm tốt nhất lợi ích của trẻ em theo Luật Trẻ em.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Khắc Phục