Nhiều khó khăn trong quá trình tự chủ

Sáng 24/4, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã làm việc với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023.

Sau sáp nhập năm 2018, cơ cấu tổ chức bên trong nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa được kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, từ 93 biên chế giảm còn 89 biên chế. Theo quyết định của UBND tỉnh, nhà hát là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên. Tuy vậy, vài năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid, cộng với việc loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khó thu hút thị hiếu khán giả…nên tác động không nhỏ tới hoạt động, kết quả thực hiện tự chủ của đơn vị. Kinh phí chi cho tập luyện chủ yếu dựa trên cơ sở ngân sách Nhà nước hàng năm, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống còn khó khăn. Nguồn thu từ các hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của đơn vị không ổn định, còn quá ít làm ảnh hưởng đến khả năng tăng mức độ tự chủ. Các ý kiến đề nghị quan tâm cấp kinh phí dựng vở mới hàng năm để có thể vừa học nghề, truyền nghề tại chỗ cho lớp diễn viên trẻ, vừa tăng thêm chương trình nghệ thuật mới, tạo thêm nguồn thu, nâng cao đời sống cho cán bộ diễn viên của nhà hát. 

Phan Hằng -

Như Huỳnh