Người dân gửi đơn thư đến Quốc hội, ĐBQH không phải muốn nhờ đại biểu làm công tác "bưu tá"

Sáng 22/11, phát biểu tại phiên họp Quốc hội, đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, tiến độ thực hiện nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chậm, chưa xác định được lộ trình cụ thể để đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vào vận hành đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này- ngoài việc chưa được đầu tư thoả đáng thì nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan khác là gì? để sớm có giải pháp khắc phục và cam kết tiến độ hoàn thành để tránh lãng phí thời gian, công sức của người dân và cán bộ, công chức.

Liên quan đến một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, từ thực tiễn công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn ĐBQH, cá nhân ĐBQH, đại biểu Thái Thị An Chung cho biết, có một số bất cập và đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm giải quyết.

Trước hết là trong các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử chưa có quy định về việc phân loại đơn đối với cơ quan dân cử.

Theo Báo cáo 665 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì năm 2023, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH nhận được tổng số 31.179 đơn của công dân thuộc trách nhiệm xử lý, trong đó có 13.551 đơn đủ điều kiện xử lý (43,46%) và 17.628 đơn không đủ điều kiện xử lý (56,54%). Việc phân loại đơn này là căn cứ vào quy định tại khoản 2 điều 6 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ.

Đại biểu chia sẻ: “Cùng 1 nội dung nhưng đơn gửi đến cơ quan của Quốc hội, ĐBQH không phải người dân mong muốn nhờ đại biểu làm công tác “bưu tá” mà mong muốn Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH đôn đốc, giám sát, theo dõi việc giải quyết đã bảo theo đúng quy định của pháp luật hay chưa? Do đó, tôi kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm nghiên cứu, sửa đổi các quy định về phân loại xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử”.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đồng thời kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đại biểu dân cử và cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc các Đoàn ĐBQH về nội dung này trong thời gian tới vì công tác tiếp công dân, xử lý đơn là một việc khó, phức tạp, đòi hỏi phải nắm vững kiến thức pháp luật, vừa có kỹ năng xử lý tình huống.

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đồng tình với kiến nghị của các đại biểu đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nghiên cứu chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đơn thư sử dụng chung giữa các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH để thuận lợi hơn trong việc quản lý, lưu trữ, xử lý đơn thư và theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số