Nghiên cứu bổ sung kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm

Đánh giá cao Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, xử lý hoặc báo cáo cấp thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng nhấn mạnh, trong kế hoạch kiểm toán 2024, KTNN cần bổ sung thêm các nội dung được dư luận quan tâm, các lĩnh vực thường xuyên có nhiều vi phạm hoặc có nguy cơ dễ phát sinh sai phạm.

Cho ý kiến về công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, cần quyết liệt, nỗ lực hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, nâng cao hiệu lực, tính khả thi của các kết luận, kiến nghị kiểm toán; đồng thời, tăng cường phân loại, có giải pháp quyết liệt để giải quyết dứt điểm các kết luận, kiến nghị của KTNN .

Mặc dù tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, một số kết luận của KTNN rất đúng, nhưng chưa thể thực hiện được. Bên cạnh đó, một số kiến nghị chưa rõ ràng, một số kết luận chưa sát thực tế, chưa đủ căn cứ thuyết phục, thiếu tính khả thi. 

Theo kế hoạch năm 2024 của KTNN, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành và nhiều dự án trọng điểm…đều nằm trong dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024 của KTNN. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục hướng đến cắt giảm số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, lĩnh vực doanh nghiệp. Thay vào đó, tập trung lựa chọn các lĩnh vực thường xuyên có nhiều vi phạm hoặc có nguy cơ dễ phát sinh sai phạm.

Để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, các thành viên UBTVQH cũng cho rằng, KTNN cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan để tránh sự trùng lắp, chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tránh gây khó khăn, giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng được thanh tra, kiểm toán. Đặc biệt kết quả kiểm toán phòng chống tham nhũng mới chỉ kiến nghị xem xét chỉ đạo 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật là chưa tương xứng. Vì vậy, KTNN trong thời gian tới cần có giải pháp đẩy mạnh tổ chức thực hiện để cải thiện thực trạng này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam