Nghị viện thế giới: Phiên điều trần về giới hạn nợ và Luật Chi tiêu Liên bang Mỹ

Những ngày qua, vấn đề nâng trần nợ công lại nóng lên ở Mỹ. Kể từ năm 1960 đến nay, Quốc hội Mỹ đã tăng mức trần nợ 78 lần, với lần tăng gần đây nhất vào năm 2021, lên mức 31.400 tỷ USD. Sau nhiều tuần đàm phán, đêm 27/5 (theo giờ Mỹ), Chính phủ và Quốc hội Mỹ đã đạt được một thỏa thuận tạm thời về trần nợ công. Điều này đã giúp Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ đối mặt với tình trạng vỡ nợ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy thống nhất đình chỉ việc áp trần nợ trong 2 năm, đến năm 2025. Theo nội dung thỏa thuận, được gọi là Đạo luật trách nhiệm tài khoá, hai bên nhất trí đình chỉ việc áp trần nợ trong 2 năm, đến ngày 1/1/2025; giới hạn chi tiêu trong ngân sách năm 2024 và 2025, thu hồi quỹ Covid-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số các dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban Nội quy của Hạ viện Mỹ tổ chức phiên điều trần về Giới hạn Nợ và Luật Chi tiêu Liên bang, trong đó các nghị sĩ đưa ra quan điểm ủng hộ và phản đối Đạo luật trách nhiệm tài khoá này.

Sau phiên điều trần này, ngày 1/6, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu về dự luật.

Kết quả, với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống, dự luật về trần nợ công đã được Hạ viện Mỹ thông qua.
Ngày 2/6, dự luật vượt qua ải Thượng viện với 63 phiếu thuận và 36 phiến chống và sau đó chính thức được Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật, ngay trước ngày 5/6, kịp thời đưa nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

Sau khi được ký ban hành, dự luật sẽ đình chỉ trần nợ công của Mỹ cho tới tháng 1/2025. Khoảng thời gian này sẽ cho phép ông Biden và Quốc hội Mỹ tạm bỏ qua vấn đề gây chia rẽ sâu sắc về mặt chính trị cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2024. Theo tính toán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, dự luật sẽ giúp Mỹ giảm thâm hụt ngân sách 1.500 tỷ USD trong 10 năm tới.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam