Nghệ thuật “vẽ mặt” của nghệ sĩ tuồng Bình Định

Bình Định xưa nay được mệnh danh là vùng “đất võ trời văn”. Bên cạnh sự hào sảng của những người con đất võ, nơi đây còn khá nổi tiếng với nghệ thuật tuồng cổ. Để thể hiện được cốt cách, khí khái của nhân vật các nghệ sĩ tuồng phải trải qua bước nhập môn đầu tiên nhưng quan trọng không kém đó là nghệ thuật “vẽ mặt”. Ấn tượng đầu viên với khán giả hay thành công của vở diễn đôi khi đến từ những nét vẽ đầu tiên.

Đất tuồng Bình Định là nơi ghi dấu nhiều tác giả lỗi lạc của sân khấu tuồng như Đào Duy Từ, Đào Tấn. Nhiều đoàn hát bội với các vở tuồng đặc sắc còn lưu lại đến ngày nay. Nghệ thuật tuồng không tả thực mà tả ý, không đi sâu vào những chi tiết tỉ mỉ mà chú trọng lột tả cái thần của sự kiện và con người.

"Cái thần" chính là đỉnh cao của nghệ thuật biểu diễn tuồng. Và vẻ đẹp đó được bộc lộ toàn vẹn trong những nghệ thuật hóa trang. Màu sắc dùng trong mặt nạ phải thật đậm, đường nét phải thật rõ nét để khắc họa cá tính của nhân vật, tăng sự biểu đạt của khuôn mặt nghệ sĩ.

Các nghệ sĩ tuồng cũng là họa sĩ. Mỗi nghệ sĩ phải tự hóa trang cho mình bằng những cảm nhận về tính cách nhân vật và thân phận của nhân vật, trên nền tảng những quy định, chuẩn mực về mặt nạ cho mỗi loại nhân vật. Ngay ngày đầu nhập môn, nghệ sĩ tuồng chỉ được duy nhất một lần thầy vẽ mặt, và chỉ vẽ đúng nửa gương mặt, phần còn lại phải tự vẽ.

Nhờ những gương mặt được hóa trang, khán giả biết ngay tâm lý, tính cách, giai cấp xã hội của nhân vật, khi mới vừa thấy diễn viên bước ra sân khấu. Và thành công của một nghệ sĩ không chỉ ở diễn xuất mà còn ở khả năng “vẽ mặt ”.

Đến nay, nghệ thuật tuồng Bình Định vẫn được bảo tồn và phát triển. Những bài học về lẽ ứng xử của con người, chất bi hùng, tiếng trống chầu hát bội và cả nghệ thuật “vẽ mặt” trong tuồng vẫn luôn là sức hút cho bất cứ ai  đặt trên đến mảnh đất này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Lê Huy -

Đức Hưng