Nghề đan lát của người Tày

Dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Tày, từ những cây tre, cây giang trên rừng trở thành sản phẩm độc đáo và tinh tế - những vật dụng không thể thiếu trong những ngày Lễ, Tết của người vùng cao. Không chỉ vậy, những sản phẩm này đang còn là những món quà lưu niệm ưu thích của du khách thập phương.

Tranh thủ những lúc nông nhàn, bà Cường và những phụ nữ Tày ở Bản Hón (Lào Cai) cùng nhau tụ họp để đan lát. Đây là nghề truyền thống được người Tày ở Nghĩa Đô gìn giữ và truyền dạy qua nhiều thế hệ. Do được làm hoàn toàn thủ công nên khâu chuẩn bị nguyên liệu sẽ quyết định đến chất lượng của sản phẩm.

Phụ nữ Tày quan niệm, sản phẩm tốt sẽ mang đến may mắn và tài lộc cho người sở hữu nó. Bởi vậy, quá trình thực hiện phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt. Từ khâu nhuộm thanh nan cho đến kĩ thuật đan lóng đều đòi hỏi người thợ phải thật đều tay. Các họa tiết trang trí đều mang tên một loại hoa, quả đặc trưng của vùng cao.

Sản phẩm đan lát ở Nghĩa Đô rất được ưa chuộng bởi sự đa dạng và có tính thẩm mĩ cao. Từ các vật dụng quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày đến những sản phẩm không thể thiếu trong những các dịp Lễ, Tết, ngày nay, sản phẩm đan lát cũng được cách tân để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, phục vụ phát triển du lịch của địa phương.

Nghề đan lát thể hiện sự công phu, khéo léo của phụ nữ Tày ở Nghĩa Đô. Đó cũng là thành quả của sự kết tinh trong lao động và sự nỗ lực không ngừng nhằm bảo tồn nét văn hóa truyền thống trong dòng chảy xã hội hiện đại. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Hồng Ngọc -

Vũ Thắng