Nét đẹp làng gốm cổ của người M’nông trên Tây Nguyên

Hiện nay, các làng nghề truyền thống gặp không ít khó khăn và thách thức trong bảo tồn và phát triển. Chính vì vậy, tìm các giải pháp thiết thực và hiệu quả để giúp các làng nghề truyền thống vượt qua khó khăn, tránh bị mai một và tiếp tục phát triển để đóng góp cho đất nước là một nhiệm vụ quan trọng.

Đồng bào M'Nông, ở buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk có một nghề đặc biệt là nghề làm gốm thủ công tồn tại hàng trăm năm nay. Nơi đây cũng được xem là một trong những làng gốm cổ của Tây Nguyên. Kỹ thuật làm gốm của đồng bào có nét độc đáo, nhất là kỹ thuật chế tác. 

Năm nay, đã ngoài 60 nhưng bà H’Lưm Uông vẫn miệt mài đi đào đất sét về để làm gốm. Nghề làm gốm thủ công này đã gắn với bà từ khi còn nhỏ. Theo bà H’Lưm, đất sét này phải được lấy ở gần nơi có nguồn nước sạch thì khi nung gốm mới không bị nứt. Sau khi lấy về, đất sét sẽ được loại bỏ tạp chất, dùng cối, chày giã nhuyễn rồi mới tiến hành chế tác.

Quy trình chế tác gốm của người M’Nông R’lâm gần như nguyên thủy, thể hiện đời sống tự cung tự cấp ngày xưa. Gốm được tạo hình bằng tay, người làm phải di chuyển xung quanh vật để tạo dáng chứ không dùng bàn xoay. Họ cũng sử dụng những dụng cụ như thanh tre, que củi,... vẽ lên thân đồ vật. Hoa văn trên gốm khá đơn giản, thường là cây cỏ, hoa lá, các đường nét thủ công tuỳ theo sự sáng tạo.

Sau khi trải qua các công đoạn khác như đánh bóng, phơi khô, nung lộ thiên, sản phẩm gốm đã hoàn thành. Chủ yếu là các loại nồi tròn để nấu cháo, nấu nước, sắc thuốc… Ngày nay, có thêm đồ vật lưu niệm như con voi, con trâu, con rùa, hồ lô, bình hoa… đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Nghề làm gốm này thường được truyền từ mẹ sang con. Phụ nữ M’Nông giữ vai trò chính trong việc bảo tồn và phát huy nghề gốm truyền thống của dân tộc mình. Tuy vậy, nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một do còn rất ít người biết.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Liên -

Việt Bảo