Na Uy thận trọng trước các hoạt động của Nga ở Bắc cực

Vụ tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, cùng với căng thẳng giữa NATO và Nga đã làm nhiều nước châu Âu lo ngại về nguy cơ xung đột lan rộng. Na Uy, nước có chung đường biên giới trên đất liền với Nga, và có chủ quyền với hòn đảo được ví như cửa ngõ vào Bắc Cực, đang tỏ ra thận trọng trước hoạt động ngày càng gia tăng của Nga tại vùng đất băng giá này.

Kể từ năm 2005, Nga đã mở lại hàng chục căn cứ quân sự có từ thời Liên Xô ở Bắc Cực, hiện đại hóa hải quân và phát triển các tên lửa siêu thanh mới được thiết kế để tránh các cảm biến và hệ thống phòng thủ của Mỹ. Vào tháng 7 năm nay, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra một chiến lược hải quân mới cam kết bảo vệ vùng biển Bắc Cực "bằng mọi giá".

Đại Tướng EIRIK KRISTOFFERSEN, Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Na Uy: "Các mối đe dọa đối với các đồng minh NATO, và cả Na Uy nữa, là khả năng răn đe hạt nhân mà Nga có trên Bán đảo Kola. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thử nghiệm khả năng răn đe hạt nhân ở Bắc Cực vào ngày 19 tháng 2, năm ngày trước cuộc xung đột ở Ukraine. Khi một tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân ra khỏi Bán đảo Kola và sau đó tìm đường vào Đại Tây Dương, nó có thể gây ra mối đe dọa cho cả Mỹ và châu Âu."

Hiện nay theo dữ liệu do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và Reuters tổng hợp, các căn cứ của Nga bên trong Vòng Bắc Cực nhiều hơn NATO khoảng 1/3, và hạm đội tàu phá băng của Nga cũng đông hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Nga hiện có 11 tàu ngầm có khả năng phóng vũ khí hạt nhân tầm xa để sử dụng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, 8 trong số đó có trụ sở tại Bán đảo Kola ở Bắc Cực.