Mô hình y tế cơ sở chưa thống nhất trên cả nước

Liên quan đến việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, thời gian qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã tổ chức giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố và làm việc với Chính phủ, 14 bộ, ngành.

Một trong những vấn đề nổi lên, được đoàn ghi nhận và xem là mấu chốt dẫn đến những tồn tại, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bệnh xảy ra của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng - đó chính là việc tổ chức bộ máy y tế cơ sở không ổn định, trải qua nhiều thay đổi và chưa thống nhất.

Với 1 thành phố lớn như TPHCM, có mật độ dân số hơn 9 triệu người đông nhất cả nước, việc chăm sóc sức khỏe người dân càng trở nên quan trọng nhưng trong thời gian ngắn, hệ thống y tế đã trải qua sự thay đổi liên tục, thiếu ổn định. Những bất cập chỉ được bộc lộ rõ nhất khi hệ thống y tế trải qua 1 “phép thử” mang tên "Đại dịch Covid 19".

Nếu như TPHCM đang giao trung tâm y tế huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện thì với dân số hơn 8,3 triệu người, Hà Nội lại đang giao trung tâm y tế trực thuộc sở y tế quản lý. Hai thành phố lớn áp dụng 2 mô hình khác nhau và đều cho thấy sự ưu việt riêng khi áp dụng.

Đoàn giám sát nhận thấy, trong 10 năm, mô hình tổ chức và cơ chế quản lý đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng đã trải qua 3 lần thay đổi và đến nay vẫn chưa thống nhất trên cả nước.

Trước thực tế này, vấn đề đặt ra là cần đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện mô hình tại các địa phương, từ đó sớm có những quy định hướng dẫn cho việc áp dụng phù hợp, hướng tới hiệu quả cao nhất.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Như Huỳnh