Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được thông qua có điểm gì mới đáng chú ý?

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khoá 15, sáng 14/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi). Phiên họp sáng nay có đại diện Thường trực UBND, HĐND của 55 tỉnh thành tới dự khán.

>> Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Với 459/471 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 92,17% , Quốc hội đã thông qua toàn bộ Luật thanh tra sửa đổi. Trước khi biểu quyết toàn văn, Quốc hội cũng đã tiến hành biểu quyết riêng thông qua Điều 18 về vị trí, chức năng của Thanh tra Tổng cục, Cục với tỷ lệ tán thành 89.36% và Điều 78 về Ban hành kết luận thanh tra với tỷ lệ tán thành 89,16%.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật thanh tra sửa đổi lần này là quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ để có cơ sở sắp xếp, kiện toàn một bước tổ chức bộ máy làm công tác thanh tra chuyên ngành theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Theo đó,Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong trường hợp tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ. Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

Quy định về thành lập thanh tra sở cũng là điểm mới đáng chú ý. Tổng kết thi hành Luật Thanh tra cho thấy, ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện có từ 15 đến 19 tổ chức Thanh tra sở nhưng biên chế rất ít, nhiều tỉnh chỉ có khoảng trên dưới 50 người, cá biệt có tỉnh chỉ có 25 biên chế. Do biên chế mỏng, cơ quan thanh tra được thành lập dàn trải ở nhiều sở nên một số cơ quan chỉ được bố trí được từ 1 đến 2 biên chế, dẫn đến hoạt động nặng về hình thức, không hiệu quả. Để đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Thanh tra sở, khắc phục bất cập, hạn chế trên thì Khoản 2, Điều 26 Luật quy định, thanh tra sở được thành lập tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao. Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.