Luật hóa cấp độ phòng thủ dân sự để phân cấp, phân quyền ứng phó

Phòng thủ dân sự bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. Chính vì vậy, việc luật hóa các cấp độ phòng thủ dân sự sẽ là cơ sở để các cấp chính quyền đánh giá, ban bố cấp độ trên địa bàn quản lý; từ đó áp dụng các biện pháp phù hợp. Đây là nội dung quan trọng của Luật Phòng thủ dân sự sẽ được Quốc hội thông qua trong tuần tới.

Trận động đất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến hàng chục nghìn người tử vong, hàng trăm nghìn người bị thương. Trước tình huống cấp bách mang tính chất thảm họa như vậy, đất nước này đã phải huy động mọi nguồn lực, cộng với sự hợp tác quốc tế để triển khai các kịch bản ứng phó. Từ thực tế tham gia cứu trợ, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho rằng, kinh nghiệm là phải xác định cấp độ thảm họa để triển khai các biện pháp tương ứng.

Còn tại nước ta, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần ra Chỉ thị để triển khai các biện pháp cấp bách như: hạn chế tập trung đông người, giãn cách xã hội, cách ly y tế, huy động nguồn lực... Các hoạt động nêu trên đều thuộc các cấp độ phòng thủ dân sự sẽ được luật hóa.

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự xác định 3 cấp độ, trong đó, cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp huyện. Cấp độ 2 trên địa bàn cấp tỉnh. Cấp độ 3 trên địa bàn một hoặc một số tỉnh. Từ đó, gắn với thẩm quyền ban bố và các biện pháp ứng phó lần lượt của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh, Thủ tướng Chính phủ.

Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định các cấp độ phòng thủ dân sự.

Quy định các cấp độ PTDS chung nhất, gắn với vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền. Đây sẽ là cơ sở để ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa mà không chồng chéo với quy định hiện hành.

Khắc Phục - Hữu Nghĩa - Công Kiên - Cao Hoàng