Lựa chọn đúng, trúng nội dung giám sát là điều kiện tiên quyết cho chất lượng, hiệu quả giám sát tại Hội đồng nhân dân

Tại Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc sáng 21/02 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tổ chức, đại diện Thường trực HĐND các địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động giám sát, việc lựa chọn nội dung giám sát, chế tài sau giám sát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Tham luận tại Hội nghị, bên cạnh những kết quả nổi bật, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn thách thức trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2021, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, bối cảnh này cũng cho thấy nhiều địa phương đã có những cách làm linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó đáng chú ý hoạt động giám sát có nhiều đổi mới góp phần vào việc nâng cao vai trò vị thế của hệ thống cơ quan dân cử ở địa phương. Kinh nghiệm trong tổ chức hiệu quả hoạt động giám sát đã được các địa phương chia sẻ, làm rõ tại hội nghị.

Tham luận của các địa phương cho thấy những kinh nghiệm chủ yếu để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, trong đó việc lựa chọn nội dung giám sát là vấn đề hàng đầu quyết định đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động này.

Bà LÂM THỊ HƯƠNG THÀNH - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang: “Với Bắc Giang chúng tôi thường lựa chọn nội dung (chủ đề) qua hoạt động giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực cũng như các Ban; có những vấn đề chúng tôi xác định đưa vào chất vấn tại kỳ họp (những vấn đề rộng, có tính lan tỏa, tuyên truyền). Còn những vấn đề cụ thể, khó có thể giải đáp hết được qua chất vấn tại kỳ họp HĐND thì đưa vào giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND.” 

Ông NGUYỄN TRUNG HẢI - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc:Việc lựa chọn nội dung, vấn đề giám sát trúng, đúng là điều kiện quan trọng đảm bảo thành công và hiệu quả cuộc giám sát. Nội dung giám sát cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về kinh tế - xã hội của địa phương; giám sát các nội dung còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chủ chương, chính sách, pháp luật và nghị quyết của HĐND; các vấn đề nổi cộm được nhân dân, cử tri và dư luận quan tâm.”

Xác định công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là việc quan trọng, Thường trực HĐND tỉnh Nam Định cho biết, đã phân công 01 đồng chí Phó chủ tịch HĐND tỉnh trực tiếp phụ trách, giao Ban pháp chế chủ trì phối hợp Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tham mưu giúp việc. Đồng thời có nhiều cách làm thể hiện sự bám sát, nắm rất chắc tình hình, coi trọng và có quan điểm rõ ràng đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Ông NGUYỄN PHÙNG HOAN - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nam Định: “HĐND tỉnh đã lựa chọn và giao Pháp chế tổ chức giám sát trực tiếp việc giải quyết đối với 12 vụ việc; Năm 2017 Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp giám sát chuyên đề về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tại các kỳ họp thường lệ hàng năm, HĐND tỉnh thực hiện việc giám sát thông qua xem xét các Báo cáo của UBND tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Không chỉ giám sát mà Thường trực HĐND tỉnh còn chủ động, tích cực và đồng hành với UBND tỉnh trong việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo.”

Tuy nhiên, khó khăn chung của HĐND các địa phương là hiện đang thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể về các chế tài đối với các hành vi không giải quyết, chậm giải quyết các kiến nghị của cử tri hoặc không thực hiện, chậm thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan thuộc HĐND.

Bà PHÙNG THỊ HỒNG HÀ - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội: Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế giám sát,….quy định cụ thể về thẩm quyền, nhiệm vụ đối với cơ quan giám sát để có thể phát huy vai trò giám sát, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành các quy định về chế tài sau giám sát, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị được giám sát trong việc thực hiện các kết luận giám sát của HĐND Thành phố, quận, huyện, thị xã đặc biệt là trong việc giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường tại các quận, thị xã; để đảm bảo Chủ tịch UBND phường thực hiện theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; tránh trường hợp chủ quan, lơ là trong hoạt động khi không có HĐND phường giám sát.

Kết quả hoạt động giám sát của HĐND một số địa phương cũng cho thấy, với thành phần mời dự đoàn giám sát được mở rộng gồm: đại diện cơ quan cấp trên, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giám sát... đã góp phần làm tăng hiệu quả các cuộc giám sát. Đồng thời, các đại biểu chuyên trách có vai trò rất lớn và đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND. Những cách làm nêu trên đã trở thành bài học kinh nghiệm và tiếp tục được xác định trong phương hướng thực hiện công tác giám sát năm 2022 của HĐND các địa phương.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam