Loạt thách thức đặt ra khi Việt Nam bị đưa vào "Danh sách xám"

Sáng 18/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống rửa tiền đã chủ trì phiên họp cho ý kiến về Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 – 2025 nhằm xác định và đo lường các rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam. Tháng 6 vừa qua, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã chính thức đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia chịu sự giám sát và phối hợp chặt chẽ với FATF để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế Phòng chống rửa tiền, Phòng chống tài trợ khủng bố, Phòng chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt.

Theo Báo cáo của Ngân hàng nhà nước, việc  FATF chính thức đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách Xám) sẽ dẫn đến hàng loạt các tác động tiêu cực đối với quốc gia như: Tăng chi phí các khoản vay, cho vay đối với Việt Nam, chi phí hoạt động đầu tư, thương mại, dẫn đến giảm dòng vốn FDI do các nhà đầu tư có tâm lý e ngại, thận trọng. Việc vay vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế ( IMF, WB, ADB …) không dễ dàng như trước vì có thêm các điều kiện ràng buộc.  Theo một nghiên cứu của Pakistan, nước này đã có thể bị thiệt hại khoảng 37 tỷ USD khi nằm trong Danh sách Xám giai đoạn 2008-2019.

Bên cạnh đó, việc bị FATF đưa Việt Nam vào Danh sách Xám sẽ làm giảm vị thế chính trị, ảnh hưởng danh tiếng, hình ảnh Việt Nam trên trường Quốc tế, tác động tiêu cực đến hoạt động đối ngoại, hệ thống tài chính ngân hàng. 

Căn cứ ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện theo cam kết của Việt Nam với FATF. 

Trần Tiến -

Cao Hoàng