LNG: Lựa chọn hàng đầu cho quá trình chuyển dịch năng lượng

Với đặc tính sạch, hiệu suất cao, tiết kiệm tài nguyên, độ linh hoạt và khả năng đáp ứng nhu cầu tăng cao, LNG được coi là lựa chọn hàng đầu để giải quyết song song 2 bài toán đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế đồng thời giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

LNG giảm phát thải khí CO2 40% so với than và 30% so với dầu. Với việc sử dụng nhiên liệu đầu vào là LNG, các nhà máy điện khí LNG giảm phát thải hơn đáng kể so với các nhà máy nhiệt điện than phổ biến hiện nay.

Không chỉ sạch hơn cho môi trường, Điện khí LNG còn ổn định và có tốc độ phát điện lên lưới rất nhanh để bù cho các nguồn giảm phát điện. Các chuyên gia đánh giá   khí hóa lỏng LNG có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng nguồn điện khí LNG sẽ từ mức 0 hiện nay lên 14,9% tổng nguồn điện của Việt Nam.

Để đáp ứng mức này, nguồn đầu vào LNG cũng phải xấp xỉ 15 triệu tấn/năm. Do lượng cung trong nước hạn chế nên việc nhập khẩu đủ nguồn LNG cho phát triển điện khí đặc biệt quan trọng.

Trong quy hoạch điện VIII, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 là thách thức rất lớn, bởi vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để thực hiện cam kết phát thải rong bằng 0 theo COP26. Do đó, phát triển nhiệt điện khí, trong đó có điện khí LNG là lựa chọn hàng đầu để bảo đảm cung cấp đủ điện và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. 

Xuân Tiến -

Đức Minh