Liệu thảm kịch giẫm đạp tại Seoul, Hàn Quốc có thể ngăn chặn được?

Cảnh sát thành phố Seoul sáng sớm nay 30/10 đã khởi động cuộc điều tra nguyên nhân vụ giẫm đạp. Giới chức sở tại cho đến giờ vẫn từ chối phỏng đoán về lý do xảy ra sự việc. Tuy nhiên, báo chí Hàn Quốc đã đặt câu hỏi, liệu rằng nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, thì thảm kịch này có xảy ra hay không?

Bài viết mang tựa đề “Làm thế nào Itaewon lại trở thành tâm điểm của thảm kịch?” trên tờ Korea Times giải thích: Nơi xảy ra thảm kịch là con hẻm dài 41m, rộng 4m, chỉ đủ chỗ cho 6 người lớn đứng cạnh nhau. Theo các nhân chứng, người đông đến mức họ bị kẹt cứng. Tình huống trở nên nguy hiểm khi một vài người ở giữa đám đông bị vấp ngã, xô ngã những người bên cạnh và gây ra hiệu ứng domino. Vậy có cách nào để ngăn điều này xảy ra không?

Nơi xảy ra thảm kịch là con hẻm dài 41m, và chỉ rộng 4m, chỉ đủ chỗ cho 6 người lớn đứng cạnh nhau. Theo các nhân chứng, người đông đến mức họ bị kẹt cứng. Tình huống trở nên nguy hiểm khi một vài người ở giữa đám đông bị vấp ngã, xô ngã những người bên cạnh và gây ra hiệu ứng domino. Sự việc xảy ra đột ngột. Do là dốc nghiêng, nên đám đông lại càng đè nặng lên nhau, người chồng lên người khiến nhiều người bên dưới khó thở và bất tỉnh. Phải mất thời gian lâu hơn bình thường lực lượng cứu hộ và cảnh sát mới tới được hiện trường vì các con đường kẹt cứng.

Tờ Korea Herald có bài viết “Liệu thảm kịch tại Itaewon có thể được ngăn chặn?”. Theo bài viết, lễ hội Halloween tại Itaewon là một trong những sự kiện công cộng chính ở trung tâm Seoul trong nhiều năm qua. Do vậy, hoàn toàn có thể dự đoán được sẽ có một lượng lớn người dân và khách du lịch tập trung ở khu vực này sau 3 năm hạn chế phòng dịch.

Tuy nhiên, bài viết dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min khẳng định, thảm kịch này không thể ngăn chặn được chỉ bằng cách triển khai thêm lực lượng cảnh sát. Ông cho rằng “quy mô của cuộc tụ họp không khác mấy so với những năm trước” và không gây ra những mối quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó, một lượng lớn cảnh sát đã được triển khai tới một khu vực khác do có các cuộc biểu tình.

Bài viết cũng chỉ ra rằng, sự kiện năm nay là tự phát, không có đơn vị nào tổ chức, nên cũng khó có thể quy trách nhiệm cho một cá nhân hay tổ chức cụ thể nào. Chính vì thế, theo ý kiến của giáo sư Lee Young-ju, Trường đại học Seoul, đây là "1 thảm họa vốn đã có thể kiểm soát hoặc ngăn chặn, thế nhưng điều này không được quan tâm, bởi không có ai đứng ra chịu trách nhiệm ngay từ đầu".