Lễ hội té nước của người Lào ở Lai Châu

Người Lào là 1 trong 20 dân tộc cư trú lâu đời trên mảnh đất Lai Châu, họ sinh sống trú chủ yếu bên những con sông, con suối, nơi có dồi dào nguồn nước, phù hợp với canh tác nông nghiệp. Tháng 3 hằng năm là thời điểm chuẩn bị cho vụ mùa mới, đồng bào người Lào lại làm lễ Bun Vốc Nặm, để tạ ơn tổ tiên và thần linh đã phù hộ cho họ có một năm cũ tốt đẹp và cầu xin cho một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, con người và vật nuôi luôn luôn khoẻ mạnh.

Buổi sáng ngày làm lễ, thầy cúng sẽ dẫn đoàn người đi đầu những người người già làng, có uy tín cùng với 80 chàng trai cô gái, là những người khoẻ mạnh và ưu tú đến trước chòi cúng của bản dâng lễ và báo cáo với các vị thần linh rằng: hôm nay ngày lành tháng tốt đoàn người chúng tôi đi xin nước trời về để làm lễ rửa tượng phật và làm lễ cúng cầu mưa. Cả đoàn người sẽ vừa đi vừa đánh trống, gõ chiêng, đập mẹt, tuốt lá khô để tạo ra những âm thanh tượng trưng như tiếng sấm sét, tiếng mưa rơi. Trên đường đi về chùa, các gia đình trong bản mang nước mưa ra đứng 2 bên đường để té vào đoàn rước nước với mong muốn cầu mong cho gia đình mình năm mới sẽ được may mắn, sức khỏe, làm ăn phát đạt.

Lễ hội Bun Vốc Nặm diễn ra thường niên với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc Lào, tạo sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút đông đảo nhân dân và du khách gần xa đến với huyện Tam Đường, Lai Châu.

Tất cả những hoạt động trong khuôn khổ lễ hội Bun Vốc Nặm mang đậm đà bản sắc của dân tộc Lào, không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Lào, mà còn giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thuý Hà