• 3746 lượt xem
  • 21:20 02/05/2022
  • Xã hội

Lào Cai: Ban giám hiệu phải đứng lớp vì thiếu giáo viên trầm trọng

Năm học 2021-2022, tỉnh Lào Cai thiếu gần 1.000 giáo viên, chủ yếu là giáo viên dạy Tin học và Ngoại ngữ. Do khó tuyển dụng được giáo viên mới nên nhiều trường học phải tăng số tiết dạy cho giáo viên; giáo viên dạy kiêm nhiệm, thậm chí các thành viên trong ban giám hiệu nhà trường cũng tham gia đứng lớp.

Do chưa tuyển dụng biên chế được giáo viên mới nên từ nhiều năm nay, môn ngoại ngữ ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tả Giàng Phìn đều do cô Thúy giảng dạy. Để đảm bảo tiến độ dạy học, mỗi tuần cô Thúy phải đứng lớp 24 tiết, nghĩa là tăng 7 tiết theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Cô VŨ THỊ THÚY - Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Giàng Phìn, thị xã Sa Pa, Lào Cai: “Số tiết tôi phải dạy khá lớn và chuẩn bị giáo án rất nhiều, vì thế thời gian cho gia đình và bạn bè là không có”.

Ông NGUYỄN VỸ NAM - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Giàng Phìn, thị xã Sa Pa, Lào Cai: "Trong một buổi sáng phải dạy kín như thế thì các thầy cô rất khó khăn vì việc chuẩn bị các phương tiện, thiết bị dạy học của các thầy cô cũng như việc tiếp thu của học sinh cũng gây những khó khăn, hạn chế nhất định trong chất lượng giáo dục. 

Trong khi đó, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Giàng Phìn năm học này thiếu 5 chỉ tiêu biên chế giáo viên. Do số lượng học sinh đông, ngoài việc tổ chức ghép lớp, nhà trường phải bố trí cả Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn thực hiện đứng lớp.

Cô NGUYỄN THỊ QUYÊN - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Giàng Phìn, thị xã Sa Pa, Lào Cai: “Vừa rồi, giáo viên chuyên biệt chỗ chúng tôi cũng phải đứng lớp, xét về chất lượng thì sẽ không bằng giáo viên chủ nhiệm. Khi chúng tôi khảo sát qua mà giáo viên đó đủ điều kiện thì chúng tôi đã bố trí cho các bạn dạy lớp đấy, đây gọi là giải pháp tạm thời”.

Tình trạng thiếu giáo viên tập trung chủ yếu ở các môn Tiếng Anh, Tin học. Trong khi đó, từ năm học sau, đây lại là những môn học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Bởi vậy, trong thời gian chờ được bổ sung chỉ tiêu biên chế, các trường vẫn đang nỗ lực bố trí, sắp xếp giáo viên thực hiện công tác dạy học.

Ông NGUYỄN TRƯỜNG CHINH - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa, Lào Cai: “Thứ nhất, tăng cường các giáo viên ở cấp học trong cùng khu vực để dạy kê, tăng tiết hỗ trợ cho những trường thiếu giáo viên. Thứ 2, chúng tôi dạy kết nối giữa vùng có giáo viên Tiếng Anh ở trung tâm kết nối với xã hiện đang thiếu giáo viên”.

Số lượng học sinh tại các nhà trường ngày càng đông, bởi vậy, việc bổ sung số giáo viên thiếu sẽ giảm áp lực dạy học tại các nhà trường, góp phần đảm bảo đúng tiến độ ngành giáo dục đề ra.

Vũ Thắng