Làng Bình Yên không bình yên vì ô nhiễm môi trường từ tái chế nhôm

Dù mang lại nguồn thu nhập khoảng 70 tỷ đồng/ năm, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, nhưng người dân làng Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực của tỉnh Nam Định đang phải đánh đổi cái giá quá đắt cho sức khỏe của mình, do môi trường ô nhiễm nghiêm trọng từ nghề tái chế nhôm.

Ngày này qua ngày khác, hôm nào xưởng chế biến nhôm của ông Quang cũng hoạt động từ 3 giờ sáng đến 18 -19 giờ tối. Trung bình mỗi ngày vợ chồng ông tái chế khoảng 1,5 tấn vỏ lon bia. Thời điểm hàng bán chạy, giá cao thu nhập 25 triệu đồng/tháng, lúc ế ẩm cũng thu nhập 15 triệu đồng/ tháng.

Không phải nghề truyền thống, nhưng làng nghề tái chế nhôm này đã có từ ba, bốn chục năm nay. Ban đầu một vài hộ làm nghề, rồi anh truyền cho em, hộ này truyền cho hộ khác, nay trong số 570 hộ của làng Bình Yên có đến 390 hộ làm nghề. Mỗi hộ một công đoạn, hộ làm cô đúc; hộ cán tạo hình, thụt khuôn, rửa tẩy trắng..vv. Tuy nhiên quá trình tái chế nhôm, các hộ đều chưa chú trọng khâu đảm bảo vệ sinh môi trường. Bình quân mỗi ngày thải trực tiếp ra mặt đường, kênh mương hàng chục tấn chất thải rắn nguy hại và khoảng 600m3 nước thải tẩy rửa sản phẩm, với đủ loại hóa chất như nước sút, Axit, Crôm…, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nghề chế biến nhôm mang lại nguồn thu nhập cao, có bát ăn, bát để, nhưng nhiều người đã phải đánh đổi với giá đắt cho sức khỏe của mình.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng chế biến nhôm Bình Yên diễn ra nhiều năm nay, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của không chỉ người dân sở tại, mà còn để lại nhiều hệ lụy cho cả người dân ở các vùng lân cận. 

Hệ lụy từ làng nghề tái chế nhôm ảnh hưởng đến người dân các vùng lân cận như thế nào? Nội dung này chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong chương trình sau. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Quốc Hưng -

Văn Đô