Làm sao giải cơn "khát vốn” cuối năm cho doanh nghiệp

Lãi suất vay tăng cao, cộng thêm giá nguyên liệu cũng đang tăng cao, gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp ở những tháng cuối năm khi vừa phải tập trung phục vụ cho thị trường Tết, vừa chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất ở năm mới. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp e ngại mở rộng sản xuất.

Xoay sở với vốn luôn là áp lực lớn của doanh nghiệp ở những tháng cuối năm. Và áp lực này càng bị đẩy lên mức rất cao trong năm 2022, bởi nhiều biến động trên thế giới. 

Ông PHẠM NGỌC HƯNG: Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh: “Cuối năm là các doanh nghiệp đang cần vốn, trữ hàng cho Tết, chuẩn bị kế hoạch cho năm 2023, thời điểm này là đang cần vốn rồi còn phải quyết toán nên cần dòng vốn lưu động rất là nhiều nhưng mà lãi suất hiện nay vay vô rất là nặng.”

Trong nước, lãi suất vay cũng tăng ngất ngưỡng, hết room tín dụng, trái phiếu khó phát hành.

Bà LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA): “Trước đây, ví dụ như khi dự trữ nguyên vật liệu theo vốn cũ thì chỉ cần 1 đồng còn bây giờ lên đến 1,5-2 đồng. Thì tỉ lệ nó đã tăng như thế thì nguồn mới rất là cần nhưng mà hiện nay có một vấn đề là khi cần vay vốn mới thì các ngân hàng hết room tín dụng.”

Nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN nên xem xét nới room tín dụng thêm 1 - 2%; đặc biệt đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 11/2022 và Nghị định 31/2022 của Chính phủ sau những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, giúp doanh nghiệp có thêm lực phục hồi. Về phía các NHTM cũng cần nhanh chóng thu hồi các khoản nợ xấu, tạo thêm khoảng trống cho các khoản vay mới.

TS NGUYỄN VĂN HIẾN, Chuyên gia kinh tế, Đại học Tài chính – Marketing: “NHNN phải xem xét ban hành một quy định riêng cụ thể để thực hiện cho các NHTM cho vay, làm sao vừa đảm bảo kiểm soát được chất lượng tín dụng mà cũng đảm bảo đối tượng có thể giải ngân được gói tín dụng này thì nó mới mang lại hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp rất nhiều trong việc tiếp cận nguồn vốn nhất là giai đoạn cuối năm.”

Ông NGUYỄN HOÀNG DŨNG, Chuyên gia kinh tế: “Ngân hàng NN cũng nên thúc đẩy các NHTM thu hồi đã cho vay mà gọi là nợ xấu thì phải có chính sách hoặc chậm chí chuyển giao lại khoản nợ xấu đó cho những đơn vị có nhu cầu mua để lấy lại nguồn vốn để có thể bù đắp thêm cho các khoản vay trong dịp Tết.”

Trong bối cảnh NHNN cũng đang chịu áp lưc rất lớn để điều hành chính sách tiền tệ, kiểm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào kênh vốn tín dụng, mà phải huy động thêm nguồn vốn từ nhiều kênh khác như chứng khoán, trái phiếu, các quỹ đầu tư để đảm bảo hoạt động của mình.

Phạm Quyền