Làm sao để gỡ khó phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Hà Nội?

Sáng 21/8, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hà Nội, Phạm Thị Thanh Mai chủ trì hội nghị.

Chia sẻ những khó khăn trong công tác khắc phục vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, đại diện chủ hộ kinh doanh karaoke cho rằng, việc phải thiết kế, trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà với yêu cầu trữ lượng bể nước tính toán trong 3 giờ dẫn tới rất nhiều khó khăn với khối lượng bể nước lên tới 150 -250m3.

Một số hộ kinh doanh xăng dầu cũng cho biết, hiện nay, các văn bản quản lý về phòng cháy, chữa cháy đối với công trình xăng dầu còn chung chung, chưa trực tiếp, liên quan đến Bộ Xây dựng và Bộ Công an với đặc thù riêng, dẫn đến rất khó thực hiện.

Theo báo cáo của công an thành phố HN từ cuối năm 2019  đến nay trên địa bàn thành phố xảy ra 1152 vụ cháy, có 4 vụ cháy lớn, làm 40 người chết và 65 người bị thương. Riêng 7 tháng năm 2023 xảy ra 144 vụ cháy, 10 người chết và 11 người bị thương, nguyên nhân chủ yếu là chập cháy điện.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, với địa bàn Thủ đô khối lượng công việc là rất lớn, thành phố đã có nhiều cố gắng để bảo đảm điều kiện cho công tác này, từ chế độ chính sách đến đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên cũng cần sự vào cuộc của tất cả các cấp ngành và nhân dân. Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến cử tri  để chuyển tải tới các cơ quan chức năng, chuyên môn, đồng thời tăng cường giám sát để đánh giá thực tiễn, tổng hợp để cập nhật, hoàn thiện pháp luật.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết! 
 

Diệu Huyền -

Minh Quốc