Làm rõ tính cấp thiết việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân

Để chuẩn bị nội dung cho phiên họp thứ 9 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, sáng 8/3, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức Phiên họp Thường trực Uỷ ban mở rộng thẩm tra sơ bộ đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào chương trình xây dựng Luật pháp lệnh năm 2022, để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 28 ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Rút ngắn khoảng cách về tuổi nghỉ hưu của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an so với tuổi nghỉ hưu của người lao động đã được điều chỉnh tăng theo quy định của Bộ luật Lao động, bảo đảm phù hợp với thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân…  

Tại phiên họp, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến với sự cần thiết ban hành Luật, phạm vi điều chỉnh và nội dung của chính sách dự kiến được dự án Luật điều chỉnh, trình tự thủ tục và thời điểm trình Quốc hội xem xét Dự án Luật. 

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ hơn tính cấp thiết của việc trình Dự án luật tại kỳ họp thứ 3 (vào tháng 5/2022); việc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với một số Luật có liên quan; đánh giá tác động kỹ lưỡng các chính sách của dự án Luật; tiếp tục rà soát, tổng kết  thực tiễn, bám sát chủ trương của Đảng để xác định phạm vi điều chỉnh phù hợp của dự án Luật. Qua đó, xây dựng báo cáo bổ sung gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thùy Linh