Lá phiếu bầu cử đổi bằng máu

Khi được hỏi về những tháng ngày bầu cử Quốc hội khóa I (6/1/1946), nhà báo Huỳnh Văn Tiểng (1920 - 2009), đại biểu Quốc hội khoá I thành phố Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) từng cho biết: “Đó là lá phiếu đẫm máu, những lá phiếu đó rất quý, nó làm cho Quốc hội thống nhất tại Hà Nội thể hiện được là Quốc hội của toàn dân Việt Nam”.

Nhà giáo Hoàng Đạo Thuý (1900 - 1994), đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Thái Bình nhận xét: “Ngày bầu cử Quốc hội 6/1/1946 từ đầu đến đuôi như một cuộc chiến đấu. Phải chiến đấu mới bầu được. Thậm chí, có chỗ đổ máu mới bầu được”.

Bác sĩ Y Ngông Niê Kđăm (1922 – 2001) đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Đắk Lắk nhớ lại: Nhiều hòm phiếu bị phục kích, bị bao vây. Có điểm bỏ phiếu bị tiêu diệt sạch cả hòm phiếu cả người đi bỏ phiếu.

Tại Khánh Hoà, trong ngày bầu cử Quốc hội 6/1/1946, thực dân Pháp cho máy bay ném bom vào địa điểm bầu cử làm chết nhiều cử tri.

Thành phố Sài Gòn, bỏ phiếu xong, cử tri trở về bị địch phục kích, 37 cán bộ và chiến sĩ hy sinh, đứng đầu là ông Nguyễn Văn Tư tức Tư ca-rê, trưởng ban tổ chức bầu cử.

Đại tá Thân Hoạt năm nay 96 tuổi, chiến sĩ đội du kích Ba Tơ trong đoàn quân Nam tiến từ Quảng Ngãi vào Khánh Hoà, chia sẻ: Khi đó, bộ đội vừa làm nghĩa vụ công dân đi bầu cử vừa làm nhiệm vụ bảo vệ để góp phần vào cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi.

Kết quả, dù phải trải qua khó khăn thử thách, dù phải có những lá phiếu đẫm máu, cử tri cả nước đã bầu ra 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Kiều Văn Khải