Kiến nghị ban hành văn bản đồng bộ các luật liên quan

Trong số 19 luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại 2 kỳ họp kể trên, có những luật chứa nhiều nội dung mới và phức tạp, có tác động sâu rộng đến xã hội và chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Để các luật này sớm đi vào cuộc sống thì các văn bản dưới Luật phải được xây dựng chất lượng, có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật. Theo ghi nhận tại Hội nghị sáng nay 7/3, cả các cơ quan soạn thảo và các cơ quan thẩm tra luật đều đang rất quyết liệt thực hiện trách nhiệm của mình, cũng như phối hợp chặt chẽ với nhau trên một quyết tâm chính trị rất cao.

Đối với Luật Đất đai sửa đổi,  Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công chủ trì soạn thảo 10 văn bản gồm 6 nghị định và 4 thông tư. Theo Thứ trưởng bộ TN&MT Lê Minh Ngân, ngay sau khi Luật được ban hành, bộ đã khẩn trương thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập bắt tay ngay vào việc xây dựng các văn bản này. Đến nay, Bộ đã hoàn thành 4 văn bản đưa lên Cổng thông tin điện tử và gửi lấy ý kiến các địa phương, bộ ngành, và người dân. 

Tương tự như vậy, đối với Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ có hiệu lực ngay vào tháng 7 tới đây, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết do thời gian rất gấp, với số lượng lớn văn bản hướng dẫn cần ban hành mới, NHNN đã đề xuất Bộ Tư pháp xem xét áp dụng thủ tục rút gọn trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Giám sát tiến độ triển khai Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã sớm có văn bản phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản hướng dẫn. Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành dự thảo 3 Nghị định gửi xin ý kiến các cơ quan, địa phương. 

Đánh giá cao sự chủ động của Chính phủ trong việc triển khai thi hành Luật, nhưng Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo không chỉ kịp thời ban hành các văn bản, mà còn cần phải đồng bộ với các luật có liên quan. 

Cũng trong năm 2024, Quốc hội sẽ thực hiện chương trình giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Việc Quốc hội triển khai quyết liệt chương trình giám sát này sẽ một lần nữa rà soát các văn bản hướng dẫn thực thi các Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh Bất động sản. Đây cũng là một sự đồng hành hữu hiệu của Quốc hội với Chính phủ để đẩy nhanh việc đưa các luật quan trọng này vào cuộc sống. 

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam