Kích cầu tiêu dùng nội địa: Đòn bẩy tăng trưởng kinh tế

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, sáng nay 24/10, thảo luận tại tổ, các đại biểu thuộc đoàn Hải phòng, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu, đều cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội 2023.

Đại biểu cũng cho rằng, cần chú trọng 3 động lực tăng trưởng truyền thống là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay thì cần quan tâm hơn đến các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa. 

Nhắc lại con số xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng cần kích cầu thị trường nội địa, góp phần vào việc phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó cần tập trung hơn đến chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.

Đồng tình với quan điểm kích cầu tiêu dùng nội địa, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, Chính phủ cần có tín hiệu điều hành, phản ứng chính sách một cách rõ ràng, dài hơi hơn. Bởi theo lộ trình, chính sách giảm 2% thuế VAT sẽ kéo dài đến cuối năm nay. Trong khi đó, thời điểm cuối năm mới là thời điểm sức cầu tiêu dùng tăng mạnh.

Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, đặc biệt tại các thị trường lớn, thì việc giảm thuế VAT 2% là một trong những chính sách được các đại biểu đánh giá có tác động rộng rãi để tăng tốc kích cầu tiêu dùng nội điạ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dù các giải pháp mang tầm vĩ mô hay vi mô, ngắn hạn hay dài hạn thì cơ quan điều hành cũng cần sớm đưa ra lộ trình phù hợp bối cảnh hiện nay. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam