Khó khăn trong việc xử lý nạn buôn bán sâm Ngọc Linh giả

Cây sâm Ngọc Linh chủ yếu được trồng ở huyện Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum và Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam. Có thời điểm, sâm loại 1 được giao dịch hơn 150 triệu đồng/kg. Câu hỏi đặt ra là bỏ số tiền rất lớn nhưng liệu có mua đúng sâm Ngọc Linh thật hay không, khi tình trạng rao bán sâm tràn lan khiến đang người tiêu dùng như lạc vào ma trận.

Đây là hình ảnh 2kg sâm Ngọc Linh có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ là sâm giả bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản trước khi đưa vào chợ Nam Trà My tháng 8/2023. Ngoài việc trà trộn hàng giả vào chợ sâm, tình trạng mua bán sâm được cho là sâm núi Ngọc Linh tràn lan đã làm suy giảm giá trị đích thực của cây sâm.

Hiện các hộ trồng sâm tại Nam Trà My chưa được cấp mã số vùng trồng, cũng chưa có cơ quan kiểm nghiệm sâm Ngọc Linh thật hay giả. Các quy chuẩn hiện hành về sâm Ngọc Linh vẫn chưa rõ ràng nên xử lý nạn buôn bán sâm giả gặp nhiều khó khăn.

Theo đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hơn 1200 hộ gia đình huyện Nam Trà My trồng được 1600 héc ta. Tuy nhiên, với tình trạng mua bán sâm lấy tên sâm Ngọc Linh hiện nay khiến người trồng sâm rất lo ngại. Không chỉ ngăn chặn mua bán sâm củ tươi hay các sản phẩm được chế biến từ sâm, việc ngăn chặn giống sâm giả ngay tại vườn cũng là nhiệm vụ rất quan trọng. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Nguyễn Hùng -

Anh Khoa