Khó khăn trong chương trình đổi mới sách giáo khoa vùng dân tộc thiểu số

Chiều 17/01, Thường trực Hội đồng Dân tộc phối hợp với UNICEF Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo tham vấn, đóng góp ý kiến dự thảo báo cáo đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng nghiên cứu đánh giá kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid – 19.

Theo dự thảo Báo cáo đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương, công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những bước phát triển nhanh. Hệ thống trường lớp đảm bảo cho tất cả trẻ em dân tộc thiểu số được đến trường và hoàn thành cấp học; chất lượng giáo dục được cải thiện và nâng cao; tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở ra lớp và hoàn thành cấp học tăng...

Hiện nay, cả nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đang triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 và Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Để đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có chất lượng và hiệu quả đòi hỏi cụ thể hóa những Nghị quyết của Quốc hội, pháp luật của Nhà nước và chính sách của Chính phủ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, việc nghiên cứu đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Đại dịch Covid-19 đã có những tác động đối với giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đòi hỏi cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng để khắc phục hậu quả...