Ì ạch giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế làm mất ý nghĩa "phục hồi" và "phát triển"

Thảo luận tại tổ sáng 25/5, các đại biểu đoàn TPHCM đã thẳng thắn chỉ ra, hiện nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đuối sức, người lao động thu nhập thấp dù có rất mong muốn nhưng cũng không dễ gì tiếp cận với nhà ở xã hội. Trong bối cảnh đó, đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp và người dân, nhưng thực tế triển khai còn rất chậm trễ, làm giảm hiệu quả chính sách.

Chương trình cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô tín dụng 120.000 tỉ đồn g là chính sách thiết thực . Tuy nhiên đến nay đã gần 2 tháng triển khai, gói tín dụng này vẫn chưa phát sinh dư nợ , tức là chưa có 1 đồng vốn nào được cho vay ra. Bày tỏ quan ngại về vấn đề này, một số đại biểu cho rằng, các chương trình, gói tín dựng ưu đãi dành cho nhà ở xã hội cần có cách làm mới, phù hợp với thực tế hơn

Chậm đưa nguồn lực vào nền kinh tế không chỉ nằm ở chính sách tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Nhìn lại Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội quy mô 347.000 tỷ đồng triển khai trong 2 năm 2022 - 2023, đến nay đã quá nửa thời gian thực hiện nhưng mới giải ngân được được hơn 27%, ĐBQH cho rằng, điều này gây lãng phí trong sử dụng nguồn lực trong khi doanh nghiệp và người dân lại đang rất cần tiếp sức.

Về nguyên nhân chậm đưa các nguồn lực vào nền kinh tế, các đại biểu cho rằng, có tình trạng các cấp, ngành ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức, chưa tích cực đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ. Một bộ phận cán bộ có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm của trong triển khai thực thi chính sách. Còn có tình trạng một số bộ cơ quan trung ương và địa phương chưa quyết liệt trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc chương trình, dẫn đến kéo dài thời gian, chậm tiến độ.

 

Thùy Trang