Hội nghị thượng đỉnh G20 - Cơ hội chứng minh vị thế địa chính trị của Ấn Độ

Với chủ đề “Một Trái Đất, Một Gia đình, Một Tương lai” cho Năm Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Ấn Độ muốn khẳng định nỗ lực tăng cường sự kết nối toàn cầu, xây dựng dựa trên giá trị của sự kết nối. Với việc đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20, Ấn Độ sẽ có cơ hội chứng minh ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của nước này.

Ấn Độ đang ở thời điểm thuận lợi về địa chính trị: Nước này nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất so với các nước lớn, có dân số trong độ tuổi lao động dồi dào khi phương Tây đã già hóa, có lập trường trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine. Những điều này sẽ làm tăng thêm ảnh hưởng ngoại giao của New Delhi tại G20.

Ấn Độ đã tự khẳng định mình không chỉ là cầu nối với các nước đang phát triển mà còn là một bên tham gia toàn cầu đang lên và quan trọng là trung gian hòa giải giữa phương Tây và Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine. Theo các nhà phân tích, việc tìm hướng đi trong bối cảnh rạn nứt giữa các khối khác nhau trên thế giới về cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ là một 'hành động cân bằng ngoại giao' đối với Ấn Độ".

Nếu các nhà lãnh đạo G20 không phá vỡ tình trạng bế tắc này, điều đó có thể dẫn đến lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc mà không có thông cáo chung, một bước thụt lùi chưa từng có đối với nhóm.

Khi sự chia rẽ về cuộc xung đột ở Ukraine "phủ bóng đen" lên hội nghị thượng đỉnh G20, Ấn Độ đã tập trung vào các vấn đề ảnh hưởng đến các nước đang phát triển.

Và trong nỗ lực làm cho G20 trở nên toàn diện hơn, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã đề xuất Liên minh châu Phi trở thành thành viên thường trực. Đề xuất này là nhằm hiện thực hóa cam kết trước đó của Ấn Độ để tiếng nói của châu Phi có trọng lượng hơn tại các tổ chức quốc tế. Việc kết nạp thêm AU sẽ nâng cao vị thế của G20 với tư cách là một diễn đàn đa phương. Trong bối cảnh hiện nay, Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ lần này được cho là khó đạt đột phá trong việc hàn gắn các quốc gia, nhưng nước chủ nhà Ấn Độ thì vẫn kỳ vọng sẽ tạo ra được những nền tảng nhất định để kéo các nước lại, cùng chung tay giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Vân Hương