Hội An gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo: Cam kết và thách thức

Hội An là một trong hai thành phố đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo trong năm 2023. Điều này cho thấy bản thân nội lực của Hội An vun đắp qua nhiều thế hệ đã có kết quả. Đây là sự ghi nhận, cũng đặt ra thêm trách nhiệm cho Hội An trong việc giữ gìn, phát huy nghề thủ công và nghệ thuật dân gian.

Nghề làm tre dừa là 1 trong gần 50 ngành nghề thủ công truyền thống đang được duy trì và giữ lửa ở Hội An. Không chỉ là những sản phẩm truyền thống, nhiều năm qua, người làm nghề tre dừa Hội An còn sáng tạo thêm những sản phẩm mới nhỏ, gọn, tiện dụng, chứa đựng nội hàm phong phú để những món quà xinh này phù hợp cho du khách mang về.

Hành trang Hội An mang đi đăng ký thành phố sáng tạo là bề dày lịch sử và chiều sâu văn hoá vốn có mà các thế hệ cư dân địa phương đã sáng tạo qua nhiều thế kỷ. Trên nền di sản đó, các thế hệ truyền nhân cũng như các thế hệ đương đại của Hội An đã lao động miệt mài để gìn giữ, phát huy các giá trị đó. Ví dụ như “Xóm thủ công” – nơi những người trẻ, đang dùng cách riêng của mình để đưa nghề thủ công may mặc, da thuộc truyền thống của Hội An đến gần hơn với du khách.

Gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO không đơn thuần là một danh hiệu, ở chặng đường phía trước Hội An sẽ còn nhiều việc phải làm để sự công nhận đó thực sự mang lại lợi ích cho đô thị này.

Ngoài ra, còn 3 dự án cấp quốc tế khác Hội An phải thực hiện cùng với sự tham gia của các thành phố thành viên khác của mạng lưới như: Liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế tại Hội An, Lễ hội đèn lồng quốc tế và chương trình “Ngôi nhà sáng tạo Hội An”. Rõ ràng, danh hiệu Thành phố sáng tạo sẽ cho Hội An thêm nhiều cơ hội để phát triển. Song cũng là thách thức để Hội An tìm ra hướng đi khác biệt, để đô thị này không cuốn vào sự phát triển "nóng" của du lịch.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Mỹ Phượng -

Tú Tú -

Lê Quang