Hoài nghi về hiệu quả tuyến đường sắt cao tốc mà Indonesia mới khai trương

Indonesia đã chính thức đưa vào hoạt động tuyến đường sắt cao tốc kết nối từ thủ đô Jakarta đến thành phố Bandung. Đây là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện có nhiều hoài nghi về hiệu quả của tuyến đường sắt này do địa điểm và chi phí bảo trì trong tương lai.

TUYẾN ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC ĐẦU TIÊN CỦA ĐÔNG NAM Á

Tại buổi lễ diễn ra ở Jakarta, Tổng thống Joko Widodo cho biết tuyến đường sắt Jakarta-Bandung đánh dấu sự phát triển của loại hình phương tiện giao thông công cộng ở Indonesia theo hướng hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Dự án đường sắt cao tốc có tổng vốn đầu tư 7,3 tỷ USD và tổng chiều dài tuyến là 142 km.

Với tốc độ tối đa có thể đạt 350 km/giờ, tàu cao tốc của tuyến đường sắt có thể giúp giảm thời gian đi lại giữa Jakarta và Bandung từ hàng tiếng đồng hồ xuống chỉ còn 45 phút. Dự án đường sắt này đã triển khai giai đoạn chạy thử nghiệm miễn phí từ tuần thứ hai của tháng 9. Việc bán vé sẽ được triển khai vào giữa tháng 10, với mức phí dao động từ 250.000 – 300.000 rupiah (390 – 470 ngàn đồng).

LIỆU CÓ THỰC SỰ HIỆU QUẢ?

Theo giới quan sát, mặc dù được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước đột phá mới trong phát triển phương tiện giao thông công cộng, nhưng vẫn có những hoài nghị về hiệu quả của tuyến đường sắt Jarkarta – Bandung. Đầu tiên là về vé tàu. Chính phủ cần đảm bảo một mức phí phải chăng để có thể khuyến khích người dân sử dụng tàu cao tốc trên cao, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo có đủ lợi nhuận để trang trải được chi phí vận hành và bảo trì cho tàu cao tốc trong tương lai. Thứ 2, về tính an toàn, chính phủ cũng cần đảm bảo việc vận hành tuyến đường sắt được vận hành một cách an toàn, giúp người dân yên tâm hơn khi sử dụng.

Ngoài những vấn đề này, nhiều chuyên gia nhận định, vị trí các ga tàu cũng là một điểm trừ của tuyến đường sắt này, khi chúng không đặt gần trung tâm tài chính ở Bandung, vốn là điểm đến có nhu cầu cao từ giới doanh nhân và trung lưu. Để đi đến đây, hành khách phải chuyển sang tàu khác, qua đó, tăng thêm thời gian và chi phí. Vì thế có những ý kiến cho rằng, nếu chính phủ Indonesia không xây dựng được các chuyến kết nối thuận tiện giữa các ga, sẽ rất khó để có thể thu hút người dân sử dụng. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!