Hải Phòng: "Nút thắt" quy hoạch cản bước phát triển của thành phố

Quy hoạch phải luôn đi trước một bước nhưng đến nay, tiến độ của hầu hết các loại quy hoạch chậm và không đạt tiến độ theo yêu cầu đề ra, đặc biệt với các địa phương được coi là đô thị loại 1 do phải thực hiện quy hoạch song song cả Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị. Nếu không nhanh chóng gõ nút thắt này, có thể mất đi cơ hội phát triển.

Với định hướng phát triển trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, bền vững ở  khu vực Đông Nam Á, Hải Phòng có nhiều tiềm năng để phát triển. Hải Phòng đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung thành phố theo Luật Quy hoạch 2017 và Luật Quy hoạch đô thị. Với tầm thế là đô thị loại 1, đến năm 2030, Hải Phòng phải thực hiện cùng lúc rất nhiều quy hoạch như quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 và quy hoạch điều chỉnh các quận huyện, gồm: An Dương, Hải An, Cát Hải, Dương Kinh, Đồ Sơn, Vĩnh Bảo và Kiến Thụy để xây dựng và phát triển khu kinh tế  Đình Vũ - Cát Hải. Dự kiến tháng 4/2022, quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn 2045 hoàn thành nhưng thực tế thực hiện rất khó khăn do thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu và chồng chéo giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch chung, nên khó có thể chọn phương án tích hợp khả thi.

PGS.TS KTS LƯU ĐỨC CƯỜNG - Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Bộ Xây dựng: “Hiện nay được coi là cùng cấp, không biết quy hoạch nào làm trước quy hoạch nào làm sau. Quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn dài hơi hơn. Trong khi đó quy hoạch ngắn hạn kiểm đếm, thống kê hơn. Không nhất quán về lập quy hoạch, quản lý các kế hoạch và chương trình phát triển đô thị chồng chéo các mục tiêu kinh tế-xã hội... Cấu thành các pháp luật hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chồng chéo."

Theo đánh giá, dù quy hoạch của Hải Phòng được công bố nhiều lần và nhiều lần điều chỉnh nhưng trong quá trình thực hiện vẫn bất cập, khiến cho tiến độ triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do quy hoạch thành phố từ nền móng thành phố công nghiệp cũ, đang dịch chuyển sang ngành công nghiệp dịch vụ nên chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật như Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

Ông NGUYỄN THÀNH HƯNG - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ: “Chúng tôi rất mong muốn quy hoạch của Hải Phòng tiếp cận được với quy hoạch của thành phố hiện đại, mà chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm và tham khảo của các nước trong khu vực trong thời gian vừa qua, và các địa phương trong nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Ninh Thuận”

Định hướng phát triển là thành phố công nghiệp, phát triển dự án nhà ở xã hội và kết hợp cải tạo chung cư cũ là định hướng trong quy hoạch của thành phố Hải Phòng,  tuy nhiên việc triển khai đang gặp không ít khó khăn.

Ông NGUYỄN VĂN TÙNG - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng: “Các khu chung cư tại Hải Phòng còn chậm phát triển, tuy nhiên nếu bỏ cơ chế đầu tư BT thì cho thành phố tự quyết cơ chế để thu hút nguồn vốn xã hội hóa, trong đó nhanh chóng sửa Luật Đất đai, liên quan đến hạn mức sử dụng đất, đặc biệt với đặc thù Hải Phòng đang tiếp tục phát triển đô thị"

Hiện Hà Nội hay TPHCM và một số địa phương khác chưa thể phê duyệt quy hoạch do còn nhiều chồng chéo, bất cập. Kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định giải pháp tháo gỡ Luật Quy hoạch, tạo điều kiện cho các thành phố lớn thống nhất các loại quy hoạch, tạo tiền đề để tiếp tục thu hút đầu tư, tạo ra sự phát triển mới.

Hải Yến