Hải Dương: Khát khao giữ gìn Tuồng Thạch Lỗi

Nghệ thuật Tuồng cổ hiện vẫn đang được lưu giữ tại xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên những người gắn bó với Tuồng còn không nhiều, họ luôn đau đáu, khát khao trao truyền cho lớp kế cận không chỉ để bảo tồn, mà còn là sợi dây kết nối giữa giới trẻ và các giá trị nghệ thuật của dân tộc. Đáng tiếc, do không xây dựng được lớp kế cận, không duy trì biểu diễn thường xuyên đã làm cho nghệ thuật tuồng từng vang bóng một thời ngày càng mai một.

57 tuổi, bà Mai là người trẻ tuổi nhất trong số 25 thành viên Câu lạc bộ Tuồng Thạch Lỗi, những người còn lại đều là các bậc lão niên cao tuổi. Dù bận rộn với công việc của nhà nông, thời gian gần đây hàng tuần câu lạc bộ Tuồng vẫn tụ họp tại đình để tập luyện vở Thành Hoàng quê tôi và những vở diễn mới, nhưng không có người trẻ tham gia, nên việc lựa chọn người đóng vai khá khó khăn.

Cách đây gần chục năm, xã Thạch Lỗi đã có sáng kiến đưa nghệ thuật Tuồng vào Trường học giảng dạy cho học sinh, tuy nhiên chỉ kéo dài một thời gian ngắn bởi không có kinh phí và một phần do giới trẻ bị ảnh hưởng bởi những loại hình văn hóa giải trí sôi động, hấp dẫn khác nên không mặn mà với nghệ thuật Tuồng cổ.

Nghệ thuật Tuồng từng vang bóng một thời nhờ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của các nghệ nhân. Từng kỹ năng hát khách, hát tẩu; hát nam, hát xướng, điệu lý và nghệ thuật hóa trang đã in sâu vào tiềm thức của các nghệ nhân giờ mong mỏi tìm được người tâm huyết để truyền nghề.

Dù đã tìm kiếm nhiều năm, nhưng việc tìm được người trẻ vừa có giọng hát, vừa đam mê tâm huyết với tuồng là rất khó. Để tìm được thế hệ kế cận, Cẩm Giàng cần đầu tư kinh phí duy trì hoạt động của câu lạc bộ và tìm ra những nhân tố mới có năng khiếu, phát triển nghệ thuật Tuồng của địa phương. Khi có sự đầu tư đúng mức và có người đào tạo bài bản, nghệ thuật hát Tuồng Thạch Lỗi mới có thể bảo tồn và trao truyền cho các thế hệ mai sau.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!

Quốc Hưng -

Hoàng Minh