Góc nhìn hôm nay: Cào bằng khung giá dịch vụ y tế, nên hay không?

Quy định về khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế và các địa phương hiện nay không bảo đảm thực hiện gắn giá dịch vụ khám bệnh với đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, tại dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đề xuất phương án xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo pháp luật về giá. Vấn đề đặt ra là điều này có bảo đảm công bằng trong tiếp cận, cung cấp dịch vụ y tế

CHÌA KHÓA ĐỂ NGÀNH Y PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ VÀ THỰC CHẤT 

Là bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện tuyến cuối lớn nhất cả nước nhưng có thể thấy, bệnh viện Bạch Mai có giá thu dịch vụ khám chữa bệnh, kể cả các giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu thấp nhất trong các bệnh viện công tuyến trung ương tại Hà Nội. Chính vì thế, lượng bệnh nhân đổ về đây luôn cao; vì được bác sĩ chuyên gia đầu ngành khám chữa bệnh, với các trang thiết bị hiện đại. 

Tuy nhiên, là 1 trong 4 bệnh viện thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ, Bệnh viện Bạch Mai đang áp dụng giá khám bệnh, chữa bệnh theo khung giá do Bộ Y tế ban hành. Vướng mắc bất cập lớn nhất là đến nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện thu theo giá bảo hiểm y tế (BHYT) chưa được tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành (mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành giá), dẫn đến nguồn thu, khả năng đầu tư và tái tạo nguồn lực cho bệnh viện bị hạn chế.

PGS-TS ĐÀO XUÂN CƠ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: “BHYT hiện mới tính 4/7 và giá này được xây dựng từ năm 2019 đến nay đã có những cái cần phải thay đổi. Thứ nhất cần tính đúng tính đủ để trên 7 yếu tố cấu thành giá. Thứ hai, từ 2019 đến này có rất nhiều yếu tố đã thay đổi nhưng chưa được cập nhật như giá cả đã leo thang. Hiện nay chúng ta vẫn áp dụng giá từ 2019, lại chỉ thu có 4/7 yếu tố cấu thành giá của BHYT. Do vậy với một bệnh viện tự chủ để vận hành được mà thu theo giá đó, để được bảo hiểm thanh toán theo giá đó thì rất khó cho các bệnh viện, đặc biệt đối với bệnh viện tự chủ về tài chính.”

Chưa phải tự chủ về xây dựng cơ sở hạ tầng, mua thiết bị nên tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa, các khoản cấu phần để xây dựng giá mới chỉ là chi phí trực tiếp, duy tu bảo dưỡng các trang thiết bị và đảm bảo tiền lương, chưa có cấu phần liên quan đến khấu hao tài sản và chi phí quản lý. Tuy nhiên cũng như các bệnh viện công khác, Bệnh viện mong muốn các cơ quan quản lý có hướng dẫn cụ thể, có một khung giá trần để tạo hành lang pháp lý cho các bệnh viện thuận lợi hơn trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho người dân.

TS PHẠM BÁ HIỀN - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa: “Bộ Y tế cần có những hướng dẫn rõ về quy định giá dịch vụ y tế để cho các cơ sở y tế có căn cứ để xây dựng những giá phù hợp để triển khai phục vụ người bệnh trong thời gian sớm nhất. Với giá dịch vụ y tế theo yêu cầu cần có hướng dẫn rõ về cách thức xây dựng, cấu phần để tạo ra giá trị dịch vụ đó, để chúng tôi đảm bảo thực hiện đúng quy định và đáp ứng nhu cầu người dân.”

Khó khăn lớn nhất mà bệnh viện tự chủ phải đối mặt là cơ chế tài chính. Bởi theo quy định, các bệnh viện này được quyết định giá dịch vụ y tế với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật về giá. Song đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để các bệnh viện tham khảo.

CÂN NHẮC QUY ĐỊNH KHUNG GIÁ DỊCH VỤ ĐỐI VỚI Y TẾ TƯ NHÂN

Bộ Y tế sớm ban hành khung giá trần dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để các bệnh viện công, nhất là bệnh viện hoạt động cơ chế tự chủ họ được thu giá dịch vụ y tế theo đúng nguyên tắc tính đúng, tính đủ là quan điểm của các bệnh viện công lập. 

Tuy nhiên đối với các bệnh viện ngoài công lập thì hiện nay hầu hết đều tự đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và trả lương cho bác sĩ. Nếu áp dụng khung giá ở những nơi này thì có thể khiến có bệnh viện khó hoạt động như mong muốn. Cũng vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, không cần thiết khống chế bởi nếu đưa ra khung cứng thì không tạo ra cạnh tranh, không phát triển y tế tư nhân.

Về khung giá dịch vụ đối các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, theo các chuyên gia không cần thiết khống chế bởi nếu đưa ra khung cứng thì không tạo ra cạnh tranh, không phát triển y tế tư nhân.

Thứ trưởng Bộ Tài chính VŨ THỊ MAI: “Y tế tư nhân có các cấp khác nhau và có dịch vụ ở mức khá, thậm chí cao cấp thì không nên không chế. Việc có khung giá để mà khống chế giá dịch vụ chỉ nên áp dụng ở bệnh viện công lập. Vấn đề này Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ có trao đổi thêm."

Trong khi đó, hiện nay  hầu hết các bệnh viện ngoài công lập đều tự đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế và trả lương cho các bác sĩ. Do vậy theo một số chuyên gia, họ được quyền thu phí dịch vụ chăm sóc y tế để duy trì hoạt động và phát triển.  Đặc biện hiện nay quy mô đầu tư giữa các bệnh viện tư nhân là khác nhau chưa kể đến từng vùng miền, do vậy không thể đánh đồng áp dụng khung gia chung.

Ông LÊ THÀNH CÔNG - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính, Bộ Y tế:Quy định giá dịch vụ đối với y tế tư nhân có một số vướng mắc cần phải bàn, tháo gỡ.  Như sự khác nhau ở các vùng miền, tiền lương cũng tính theo lương doanh nghiệp khác với cơ sở y tế công lập. Quy mô suất đầu tư của các nhà đầu tư cơ sở y tế tư nhân khác nhau, ở các vùng miền khác nhau; cùng với yếu tố cạnh tranh giữa các cơ sở y tế tư nhân và chiến lược cung ứng dịch vụ đối với cơ sở tư nhân cho các đối tượng theo nhu cầu xã hội cũng sẽ khác nhau. Việc lựa chọn chiến lược đó gắn với phát triển kỹ thuật của các cơ sở y tế tư nhân cũng rất khác nhau.”

Ông NGUYỄN VĂN ĐỆ - Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam: “Giá ở Hà nội như Vinmec rất cao nhưng về địa phương như miền núi thì không thể cao được. Cho nên, Nhà nước không nên can thiệp sâu vào việc này mà nên quản lý yêu cầu các bệnh viện công khai giá, minh bạch giá thì mới khuyến khích được nhà đầu tư vào lĩnh vực y tế.”

Ngoài ra nếu đưa quy định cần phải đưa mức trần cho y tế tư nhân, theo một số chuyên gia điều này đang trái với Điều 11 Luật Giá.

Ông PHẠM VĂN HỌC - Phó chủ tịch Hiệp Hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam: “Điều 11 Luật Giá quy định là các cơ sở dịch vụ sản xuất kinh doanh thì tự quyết định giá trừ khi dịch vụ hàng hóa đó thuộc đối tượng Nhà nước định giá. Hàng hóa nào dịch vụ nào thuộc đối tượng Nhà nước định giá thì lại căn cứ vào Điều 19 Luật Giá chỉ có dịch vụ khám bệnh chữa bệnh ở bệnh viện công. Như vậy nếu quy định rằng y tế tư nhân cũng sẽ phải xây dựng giá định giá thì nó trái với Luật Giá mà chúng ta đang áp dụng.“

Một số đại biểu kiến nghị nên giữ điều 26 của Luật khám bệnh chữa bệnh năm 2009 hiện đang áp dụng. Theo đó, giá dịch vụ y tế công do nhà nước quản lý, kiểm soát và áp dụng trên toàn quốc, còn giá dịch vụ y tế tư thì thực hiện theo Luật giá hiện hành, cụ thể là nghị định 117.

Hiện nay tỉ lệ y tế tư nhân trong khu vực đang phát triển mạnh mẽ, như Trung Quốc y tế tư nhân hiện nay là trên 60%; Nhật Bản là trên 80% và ở Thái Lan là trên 90 %. Ở Việt Nam, hiện con số này đang dừng ở 10% và theo chủ trương của Đảng và Nhà nước thì từ nay đến năm 2025 chúng ta phải nâng tỉ trọng y tế tư nhân lên 15 đến 20%. 

Với dự thảo mới này, nhiều chuyên gia cho rằng nếu cần thiết có 1 khung giá và khung giá này được áp dụng sẽ khó khuyến khích và không phát triển được lực lượng tư nhân tham gia vào đầu tư bởi  thực tế hiện nay y tế tư nhân vẫn không phát triển được kể cả khi không quy định, không quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Do đó vấn đề này cần tiếp tục làm rõ trong việc xây dựng Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). 

Việc đưa ra quy định mới để tạo được sức cạnh tranh và phát triển y tế tư nhân, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người bệnh đang là vấn đề rất khó. Việc Nhà nước phải thống nhất quản lý về giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng một mức giá khám bệnh, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc như đề xuất có thể không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau. 

Việc thay đổi quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước định khung giá và mức giá cụ thể sang quy định Nhà nước định mức giá cụ thể dẫn đến sẽ phải sửa đổi Luật Giá để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Liên quan chính sách này, tại phiên họp thứ 10 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giá dịch vụ khám, chữa bệnh, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên bao gồm cả bệnh nhân và cơ sở khám chữa bệnh cũng như sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. 

Để hiểu thêm về vấn đề này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có trao đổi với đại biểu Quốc hội Lê Văn Khảm - đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Mời quý vị tiếp tục theo dõi chương trình!