Giới chức phương Tây chỉ trích phát ngôn về NATO của ông Trump

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã lên tiếng dọa không bảo vệ NATO trước Nga nếu các thành viên của khối không đóng góp tài chính như cam kết. Nhiều quan chức phương Tây đã lên tiếng chỉ trích phát ngôn này của cựu Tổng thống Mỹ.

Phát biểu của ông Trump được đưa ra khi tranh cử tại bang Nam Carolina. Theo đó, cựu Tổng thống Mỹ đã kể lại cuộc họp với các nhà lãnh đạo NATO.

Khi được một nhà lãnh đạo NATO hỏi nếu các thành viên không đóng góp đầy đủ và Nga tấn công, Mỹ có bảo vệ các thành viên này không, ông Trump trả lời.

Tuyên bố với hàm ý "bỏ rơi" đồng minh NATO khiến ông Trump đang phải hứng chịu chỉ trích từ phía Mỹ và các quan chức hàng đầu phương Tây.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản: “Bất cứ ý kiến nào cho rằng các đồng minh không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu an ninh chung - gồm cả an ninh của Mỹ - đồng thời khiến binh sĩ Mỹ cùng binh sĩ châu Âu gặp nguy hiểm lớn hơn và rằng: "Bất cứ cuộc tấn công nào vào NATO đều phải hứng chịu phản ứng thống nhất và mạnh mẽ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz cũng tuyên bố trên mạng xã hội X: "Phương châm 'một vì tất cả, tất cả vì một' của NATO là một cam kết cụ thể. Làm suy yếu uy tín của các nước đồng minh có nghĩa là làm suy yếu toàn bộ NATO. Không có chiến dịch tranh cử nào là cái cớ để đùa giỡn với an ninh của Liên minh."

Bộ Ngoại giao Đức đã đăng thông điệp 'Một vì tất cả và tất cả vì một' với hashtag #StrongerTogether trên tài khoản X bằng tiếng Anh sau những bình luận của Trump.

Khi được hỏi về phát ngôn của cựu Tổng thống Trump, Nhà Trắng bình luận: “Khuyến khích tấn công các đồng minh thân cận là điều kinh khủng, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia lẫn nền kinh tế Mỹ, cũng như sự ổn định toàn cầu”.

Khả năng cựu Tổng thống Trump tái nắm quyền đang khiến giới chức phương Tây lo ngại. Lúc còn giữ vị trí chủ Nhà Trắng, ông chủ trương “nước Mỹ trên hết”, không ngần ngại ép buộc đồng minh tăng đóng góp quân sự.

31 thành viên NATO đều đồng ý chi tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng, nhưng khối ước tính chỉ mới có 11 nước đạt mục tiêu.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Q.T