Giảm tỷ lệ sở hữu chưa đủ để hạn chế lũng đoạn ngân hàng

Đối với dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), viêc giảm tỷ lệ sở hữu ngân hàng - là một “rào chắn” quan trọng mà cơ quan quản lý đã lập nên để ngăn tình trạng tình trạng sở hữu chéo, thâu tóm, lũng đoạn ngân hàng như trong thời gian qua. Tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng, “rào chắn” này chưa thực sự vững chắc, sở hữu chéo vẫn có thể “vượt rào” bằng nhiều hình thức tinh vi.

Trình kỳ họp lần này, dự thảo Luật quy định: Cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ ngân hàng (Luật hiện hành là 15%). Nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu từ 20% xuống 15%.

Đồng tình với việc cần siết sở hữu chéo, tuy nhiên đại biểu nhấn mạnh giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng chỉ xử lý được phần nổi của tảng băng chìm. Do đó, quy định này vẫn chưa đủ để hạn chế tình trạng lũng đoạn ngân hàng. 

Cho rằng tỷ lệ sở hữu ngân hàng như hiện nay đã là phù hợp với thông lệ quốc tế, một số đại biểu nhận định việc giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông không những không đủ sức nặng để siết sở hữu chéo, mà còn phản tác dụng, khiến việc thu hút vốn ngoại đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Dẫn lại kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 7/2023 đã chỉ rõ tình trạng một số nhà băng rót vốn tập trung vào một số khách hàng sân sau, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, gốc rễ của vấn đề nằm ở sở hữu ngầm, sở hữu mượn danh, lập hệ sinh thái để điều hướng dòng vốn. Vì vậy vấn đề chính cần quan tâm hơn nhiều đó là giám sát hoạt động cấp vốn vay, giám sát dòng tiền để biết được ai là ông/bà chủ thực sự của ngân hàng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải trình thêm: quy định giảm tỷ lệ sở hữu sẽ tăng cơ cấu cổ đông, hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng. Việc này cũng phù hợp với định hướng đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam