Giám định cổ vật gặp khó vì thiếu chuyên gia

Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định rõ việc sở hữu, mua bán, vận chuyển cổ vật, bảo vật. Điều này dẫn đến công tác quản lý di vật, cổ vật còn nhiều bất cập như hiện nay. Tại hội nghị “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa” được tổ chức tại tỉnh Hải Dương ngày 8/8, các đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định liên quan đến lĩnh vực này trong dự thảo luật sửa đổi sắp tới.

Thực tiễn cho thấy, công tác giám định cổ vật thời gian qua gặp khó khăn do thiếu chuyên gia đáp ứng yêu cầu và trang thiết bị chuyên dụng cho công tác giám định; Quy định về đăng ký cổ vật thiếu tính khả thi do các nhà sưu tập không muốn đăng ký cổ vật. Phân cấp trách nhiệm cho địa phương tiếp nhận và quản lý di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ còn chưa rõ ràng.

Các ý kiến đề nghị, cần nghiên cứu quy định phân cấp trách nhiệm cho địa phương tiếp nhận và quản lý di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ. Quy định về “chế độ đặc biệt” đối với việc bảo vệ và bảo quản bảo vật quốc gia; quy định rõ quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quy định mua, bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định về điều kiện đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, nghiên cứu, bảo quản...

Hiện nay tại nhiều tỉnh thành có "Hội sưu tầm cổ vật" của các nhà sưu tập tư nhân. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các tổ chức xã hội ngoài công lập thành lập quỹ di sản từ nguồn đóng góp của tư nhân…Xã hội hóa việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là kêu gọi, vận động xã hội đóng góp các nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích hay mua cổ vật, bảo vật "biếu tặng cho bảo tàng nhà nước". 

Phan Hằng -

Sỹ Cường