Giải trình thấu đáo tên gọi, đối tượng áp dụng của Luật Căn cước công dân sửa đổi

Để chuẩn bị nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25, sáng 10/8, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo cuộc họp của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan để cho ý kiến về nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, đã có 151 lượt ý kiến ĐBQH về dự thảo Luật tại Tổ và hội trường. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo và dự kiến một số vấn đề lớn, trong đó về tên gọi, Thường trực Ủy ban đề nghị UBTVQH cho giữ tên gọi là Luật Căn cước như Chính phủ trình nhằm bao quát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Đây là 1 bộ phận không nhỏ, có quyền tham gia giao dịch hành chính, dân sự trong xã hội, thực hiện những quyền cơ bản của con người như: khám, chữa bệnh, tìm kiếm việc làm, học tập, trợ giúp xã hội…

Qua thảo luận, các ý kiến bày tỏ đồng tình về phạm vi điều chỉnh, mở rộng đối tượng áp dụng đối với người gốc Việt Nam nêu trên để cấp Giấy chứng nhận căn cước. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Cơ quan thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo, nghiên cứu tiếp thu, giải trình thấu đáo vấn đề tên gọi của Luật, đổi từ Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, ngoài hồ sơ dự án luật, Cơ quan soạn thảo và thẩm tra hoàn thiện Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận của các ĐBQH; Báo cáo tiếp thu giải trình của Chính phủ; dự kiến Báo cáo tiếp thu giải trình của UBTVQH; Báo cáo 1 số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, báo cáo tác động, giải trình thấu đáo phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như tên gọi của Luật.

Khắc Phục -

Cao Hoàng