Giải ngân hơn 23.000 tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu quốc gia

Sáng 19/12, tại Đà Nẵng, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tổ chức hội thảo “Tham vấn về cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025” và kiến nghị, đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030.

Ông Y Vinh Tơr, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc của Chính phủ, cho biết, đến nay hệ thống cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đầy đủ. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 là 4,03%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%.

Cả nước có 73,65 số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 40,8% đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệu vụ, đạt cuẩn nông thôn mới. Có 20 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, các đại biểu thừa nhận kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương còn rất chậm. Đến 31/10/2023, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới giải ngân được 23.300 tỷ đồng cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đạt 39% kế hoạch. Trong đó, giải ngân vốn cho đầu tư phát triển khoảng 19.000 tỷ đồng, đạt 52%.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, với quy định hiện hành, các địa phương không thể tự quyết định điều chỉnh cơ cấu vốn từ chi thường xuyên sang chi đầu tư, từ vốn chương trình này sang chương trình khác nên quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp khó khăn.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, ông Y Thanh Hà Niê Kdăm, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung nêu những giải pháp cụ thể, chỉ ra được những nguyên nhân chủ quan và khách quan, trên cơ sở đó đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét, quyết định. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Lê Quang -

Đoàn Nguyên