Giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, trong buổi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng 24/10, các đại biểu nhận định: Nếu tính cả vốn của năm 2022 được kéo dài sang năm nay, đến 30/9/2023, kết quả giải ngân vốn chương trình mục tiêu mới chỉ đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng, tương đương với 48% kế hoạch - thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Cần có các giải pháp, đặc biệt trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện đồng bộ, khả thi là ý kiến được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra.

9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân ước đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 5 điểm %, tương đương 110 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các đại biểu quốc hội cho rằng, cần làm rõ tình hình giải ngân quá thấp, trong đó, có rất nhiều nguyên nhân chủ quan, đặc biệt là việc chậm ban hành văn bản.

Đối với việc chậm giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sẽ có sự đổi mới trong phân cấp, phân quyền triệt để các thủ tục hành chính để tạo bước ngoặt lớn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc phân cấp phân quyền cho các địa phương là cần thiết, bởi Trung ương không thể làm thay việc của địa phương.

Các đại biểu Quốc hội nhận định, việc chậm giải ngân trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ sẽ tạo áp lực rất lớn trong 2 năm còn lại. Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu đẩy mạnh tiến độ, tỷ lệ giải ngân và chất lượng các chương trình theo mục tiêu Quốc hội đã đặt ra.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam