GDP 9 tháng tăng 4,24%, áp lực dồn nặng lên quý IV

Hàng loạt chỉ số về tình hình sức khoẻ của nền kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm nay đã hiện lên trong báo cáo số liệu kinh tế xã hội vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/9.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam khi GDP quý sau cao hơn quý trước. GDP quý III tăng 5,33% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy là cao hơn mức tăng 4,05% của Quý II. Trong khi Quý II cũng cao hơn 3,28% của Quý I. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 4,24%.

Đóng góp vào mức tăng của GDP 9 tháng, tín hiệu tích cực nhất đến từ khu vực dịch vụ với mức tăng 6,32% nhờ ngành thương mại và dịch vụ duy trì đà tăng trưởng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đi ngang so với quý II khi tăng 3,43%.

Ở chiều ngược lại, khi tổng cầu thế giới tiếp tục suy giảm thì khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng được 2,41%, mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong 13 năm trở lại đây.

Đằng sau chỉ số tăng trưởng của công nghiệp và xây dựng khiêm tốn nhất trong 13 năm có một con số đáng chú ý về tình hình sức khoẻ doanh nghiệp. 135.000 là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ giải thể hay hoàn tất phá sản. Bình quân một tháng sẽ có 15.000 doanh nghiệp công bố giải thể. Con số này cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang phải tiếp tục vật lộn với bài toán sống còn.

Nhìn tổng thể, GDP 9 tháng tăng 4,24% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng GDP Quý III cao hơn quý trước. Tuy nhiên, liệu cả năm, tăng trưởng GDP có đạt được chỉ tiêu 6,5% như Quốc hội đã phê chuẩn hay không? Áp lực lên tăng trưởng về cuối năm như thế nào? Các câu hỏi này đã được đặt ra với đại diện Tổng cục Thống kê trong cuộc họp báo sáng 29/9.

9 tháng, khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng được 2,41%. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1,98% là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ trong 13 năm trở lại đây. Nhiều nhóm ngành sản xuất công nghiệp tiếp tục khó khăn. 

Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 497 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 8,2%; nhập khẩu giảm 13,8%. Theo Tổng cục Thống kê, sức cầu yếu bên ngoài đang và sẽ tiếp tục khiến nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam bị ảnh hưởng lớn. 

Từ những thách thức này, Tổng cục Thống kê cho rằng áp lực tăng trưởng đang dồn rất lớn lên quý IV của năm.

Tổng cục Thống kê nhận định trong lúc xuất khẩu vẫn gặp khó thì để thúc đẩy tăng trưởng 3 tháng cuối năm, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư công và tiêu dùng trong nước.

Tổng cục Thống kế tính toán: với GDP 9 tháng tăng 4,24%, thì để đạt được mục tiêu 6,5% của năm nay, GDP quý IV phải tăng khoảng 9%. Đây sẽ là thách thức khó có thể đạt được trong 3 tháng cuối năm.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Diệu Huyền -

Trang Linh -

Ninh Tùng