Đức theo đuổi chuyển đổi xanh không năng lượng hạt nhân

Hôm qua 15/4, Đức chính thức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, qua đó chấm dứt chương trình phát triển điện hạt nhân kéo dài 6 thập kỷ qua. Quyết định trái ngược với hướng đi của các nước phương Tây này đã thể hiện quyết tâm thực hiện tăng trưởng xanh mà không cần năng lượng nguyên tử của Đức.

Tuy nhiên, điện hạt nhân có thể đóng vai trò như thế nào trong quá trình chuyển đổi xanh vẫn là vấn đề được nhiều người tranh luận. 

Ba nhà máy vừa đi đóng cửa tại Đức lẽ ra đã phải dừng hoạt động từ ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đồng ý kéo dài tuổi thọ các nhà máy thêm 3 tháng, do cuộc khủng hoảng giá năng lượng xuất phát từ xung đột tại Ukraine.

Trong khi nhiều nước phương Tây thúc đẩy năng lượng hạt nhân trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, thì từ năm 2002, Đức đã tìm cách loại bỏ dần loại năng lượng này. Đến năm 2011, dưới thời chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel, kế hoạch này được thúc đẩy sau khi xảy ra thảm họa động đất-sóng thần gây ra sự cố hạt nhân ở tỉnh Fukushima của Nhật Bản.

Trong năm ngoái, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 6% tổng sản lượng tại Đức, trong khi năng lượng tái tạo chiếm tới 44%, tăng gần 1,8 lần so với mức 25% cách đây một thập niên. Đức hiện đang nỗ lực thực thi kế hoạch sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo vào năm 2035.

Tuy nhiên, chỉ 28% người dân Đức ủng hộ việc loại bỏ hoàn toàn điện hạt nhân. Nguyên nhân được cho là do lo lắng về nguy cơ thiếu điện, bởi trong quá trình chuyển dịch năng lượng, rất cần một nguồn điện nền ổn định.

Chính phủ Đức cho biết vẫn có thể đảm bảo nguồn cung cấp điện cho người dân sau khi dừng hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân. Một phần là nhờ các dự án khí tự nhiên hóa lỏng đã được đưa vào vận hành trong thời gian qua.

Một vấn đề nữa đặt ra khi kỷ nguyên năng lượng nguyên tử kết thúc là Đức vẫn sẽ phải tìm cách xử lý khoảng 1.900 thùng chứa chất thải hạt nhân có tính phóng xạ cao. Bên cạnh đó, chính phủ Đức thừa nhận, nguy cơ mất an toàn vẫn hiện hữu, khi các quốc gia láng giềng như Pháp và Thụy Sĩ vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân.

Kim Ngọc