Đức lần đầu đồn trú quân thường trực ở nước ngoài hậu Thế chiến II

Ngày 18/12, Đức và Lithuania - 2 nước cùng thuộc NATO - ký thỏa thuận cho phép Berlin triển khai quân đội thường trực ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến II.

Theo đó, một lữ đoàn thường trực của Đức gồm khoảng 4.800 binh sĩ đồn trú tại Lithuania, nước giáp biên giới Nga, sẽ sẵn sàng chiến đấu vào năm 2027. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius gọi thỏa thuận vừa đạt được là "lịch sử", tương đương với việc lực lượng đồng minh đồn trú ở Tây Đức trong Chiến tranh Lạnh.

Sau khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine vào tháng 2/2022, NATO đã cam kết tăng cường hiện diện ở biên giới phía đông của liên minh này.

Bộ trưởng Pistorius cho biết phần lớn lữ đoàn Đức sẽ đến Lithuania vào năm 2025-2026. Những người này cùng gia đình sẽ nhận được các "điều kiện hấp dẫn", bao gồm trường dạy tiếng Đức, nhà trẻ, nhà ở và các chuyến bay.

Trước đó, Đức đã dẫn đầu nhóm quân đa quốc gia của NATO ở Lithuania với khoảng 1.000 binh sĩ. Nhóm lính này sẽ được sáp nhập vào lữ đoàn mới.

Theo người đứng đầu cơ quan An ninh Quốc gia và Quốc phòng của Quốc hội Lithuania, nước này sẽ chi khoảng 0,3% tổng sản phẩm quốc nội trong vài năm tới để xây dựng nhà ở, sân tập và cơ sở hạ tầng khác cho lữ đoàn Đức. Để thực hiện điều này, Lithuania có thể sẽ phải tăng thuế.

Lithuania có 2,7 triệu dân, hiện là thành viên của Liên minh châu Âu và NATO. Nước này có tổng cộng khoảng 16.000 quân chuyên nghiệp và lính nghĩa vụ, bao gồm cả lực lượng lục quân, hải quân và không quân.

(*) Nguồn: Reuters

Lan Phương