Đồng bào Tây Nguyên phát triển hợp tác xã kiểu mới

Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp của nước ta đạt 3,83% - cao nhất trong nhiều năm gần đây. Đóng góp vào kết quả tích cực này, Tây Nguyên - vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của cả nước đã có những bước tiến mới, góp phần đưa giá cà phê, hồ tiêu, sầu riêng... có xu hướng tăng cao, và đã chinh phục thành công những thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và nhiều thị trường trên thế giới.

Nhận phơi, sấy, bảo quản, xay xát lúa sau thu hoạch, hợp tác xã Thành Công Ea Lê còn liên kết với một hợp tác xã khác đảm nhận chế biến các sản phẩm sau gạo. Điều đáng nói, hầu hết thành viên của 2 hợp tác xã này là đồng bào Thái đều đang sản xuất lúa hữu cơ đặc sản. Nhờ đó, bà con vùng biên giới xa xôi của tỉnh Đắk Lắk ấm no từ lúa, gạo trong năm vừa qua.

Đồng bào dân tộc Dao ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar năm qua cũng đã có cuộc sống khấm khá từ cây cà phê. Không chỉ vì những tín hiệu thị trường tích cực, mà vì bà con đã chủ động liên kết chặt chẽ từ sản xuất, chế biến sản phẩm có chứng nhận, cho đến tiêu thụ. Chỉ riêng xã này có 2 hợp tác xã nông nghiệp do đồng bào Dao làm chủ.

Năm qua, cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, gạo,... đều được giá nhờ đồng bào các dân tộc Tây nguyên mạnh dạn thành lập hợp tác xã, tạo thành chuỗi sản xuất khép kín quy mô lớn. Chỉ tính riêng tại Đắk Lắk, năm 2023 đã có thêm 90 hợp tác xã thành lập mới, vượt 100% kế hoạch, với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ động chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã giúp không ít đồng bào các dân tộc khai thác được thế mạnh và có cuộc sống khấm khá từ nông sản chủ lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây nguyên.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Djuang Niê -

Việt Bảo